CTTĐT - Không
chỉ chắc tay súng bảo vệ biên cương, giữ bình yên những thôn bản trên dọc tuyến
biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã thực
hiện hiệu quả chương trình “Nâng bước em tới trường”. Việc làm giàu tính nhân
văn ấy đã gắn kết tình quân dân nơi “phên dậu” của Tổ quốc, bên em mỗi bước đến
trường đã sưởi ấm tình yêu thương cho các em nhỏ vùng biên giới có hoàn cảnh
khó khăn, vượt lên số phận để nối dài những ước mơ.
Chúng
tôi đến Đồn Biên phòng Bát Xát khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Đang mùa mưa
nên khi cùng các chiến sỹ biên phòng đi địa bàn, ngoài trời bắt đầu mưa. Trời mỗi
lúc một mưa to, đường núi trơn trượt nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân những
chiến sỹ quân hàm xanh đến với thôn bản trong chương trình “Nâng bước em đến
trường”. Chả là hôm nay, đã thành thông lệ, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Bát
Xát và giáo viên tới tặng quà cho em Hoàng Minh Giang, trú tại Đội 1, thôn Minh
Tân (xã Cốc Mỳ), đang học Trường Tiểu học số 1 xã Cốc Mỳ. Bố là trụ cột gia
đình đã ra đi vì bệnh hiểm nghèo, còn lại một mình mẹ nuôi hai anh em, tất cả
gánh nặng đặt trên đôi vai gầy, nhà không đủ sống, phải chạy ăn từng bữa. Thấy
được hoàn cảnh như vậy Đồn Biên phòng Bát Xát đã phối hợp với thầy cô giáo Trường
Tiểu học số 1 xã Cốc Mỳ, giúp đỡ Giang để em được cắp sách tới trường. Nhờ vậy,
trong suốt 2 năm học vừa qua, dù cuộc sống của gia đình rất vất vả, nhưng được
sự động viên, giúp đỡ của các chú bộ đội biên phòng, em Hoàng Minh Giang đã yên
tâm chịu khó học học tập, năm nào em cũng đạt học sinh tiên tiến.

Chiến sỹ biên phòng Lào Cai vận động học sinh vùng cao đến
trường.
Đã
mấy năm qua, Đồn Biên phòng Bát Xát nhận đỡ đầu nuôi dưỡng ước mơ đến trường của
3 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hằng tháng, cán bộ, chiến sỹ trong đồn
đã dành một phần lương của mình mua tặng mỗi em 15 kg gạo và 500 nghìn đồng tiền
mặt, để giúp các em bớt đi phần nào khó khăn, có thời gian đến trường đều đặn
hơn. Ngoài ra, trong các dịp lễ, Tết, đầu năm học mới, cán bộ, chiến sỹ Đồn
Biên phòng Bát Xát cũng đến tặng quà và mua sách vở, đồ dùng học tập cho các
em…
Trung
tá Đặng Văn Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bát Xát cho biết: Không chỉ giúp đỡ
học sinh vùng cao bằng vật chất, cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lào Cai còn
giúp đỡ người dân biên giới bằng những việc làm cụ thể. Những ngày mưa lũ, chiến
sỹ biên phòng phối hợp với thầy cô giáo, đến từng nhà đưa, đón học sinh đến trường,
phân công đưa học sinh đi học, cõng học sinh qua suối. Vì trẻ em ở vùng cao đại
đa số là đi bộ và lội suối để đến trường, nhiều em phải đi bộ đường rừng hàng
chục cây số để tới trường. Những ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, lúc ốm các em đều được
chiến sỹ biên phòng đến khám chữa bệnh, động viên. Đây cũng là sự tri ân của
cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc trên khu vực biên
giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị và giàu đẹp.
Em
Vàng Láo Tả, dân tộc Dao, thôn Nậm Giang, xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát), bố của Tả
mất sớm, mẹ của Tả tần tảo nuôi ba chị em. Hai chị của Tả đều phải nghỉ học giữa
chừng, còn Tả, con đường đến trường của em cũng không rộng mở, bởi mẹ và chị của
Tả dù rất tần tảo nhưng cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng. Vì thế mà Tả phải thường
xuyên bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Vàng Láo Tả đã được cán bộ, chiến
sỹ Đồn Biên phòng A Mú Sung đón về nuôi ăn học tại đồn. Mẹ Tả, bà Phùng Tả Mẩy
chia sẻ niềm vui khi con mình được các chú bộ đội biên phòng đưa về nuôi dưỡng
để tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường: Tôi thực sự rất cảm động và biết ơn các
chú bộ đội biên phòng nhiều lắm, vì tấm lòng cao cả, trái tim biết sẻ chia với
hoàn cảnh của gia đình tôi. Chỉ mong sao con trai tôi cố gắng học tập không phụ
tấm lòng của các chiến sỹ biên phòng, để cháu thực hiện được ước mơ lớn lên làm
chiến sỹ biên phòng…
Không
chỉ có Vàng Láo Tả, thêm 2 em nữa là Tẩn Láo Lở, thôn Linh Giang, xã Nậm Chạc
và Lầu A Vềnh, dân tộc Mông, thôn Bản Pho, xã A Mú Sung… được cán bộ, chiến sỹ
Đồn Biên phòng A Mú Sung đón về nuôi dạy tại Đồn. Các em được bố trí nơi ăn ngủ,
tham gia sinh hoạt như những chiến sỹ biên phòng. Các chiến sỹ biên phòng như
những người cha, người mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ và đưa các em đến trường
đúng giờ. Hầu hết các em đều đã được tiếp sức, vươn lên thể hiện bằng sự tiến bộ
vượt bậc trong học tập, tự tin hơn, không còn mặc cảm về hoàn cảnh của mình,
hòa nhập vào môi trường học tập ngày một tốt hơn…
Đó
là sự lan tỏa mang đầy ý nghĩa nhân văn từ Chương
trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam phát động
đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai tích cực tham gia thực hiện hiệu
quả, giúp học sinh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và có hoàn cảnh khó khăn
vùng biên giới Lào Cai được tiếp bước đến trường. Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ,
Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ
huy Biên phòng tỉnh đã quán triệt, triển khai sâu rộng, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức
thực hiện Chương trình, đến từng đơn vị, từng cán bộ, đảng viên và quần chúng
trong toàn đơn vị. Qua đó, các đơn vị đã cụ thể hóa phù hợp với chức năng, nhiệm
vụ của đơn vị, địa bàn; phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần “tương
thân, tương ái”, trong triển khai thực hiện đã
có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu
quả thiết thực, mang đậm dấu ấn của Bộ đội Biên phòng được các cấp, các ngành
và bà con các dân tộc vùng biên giới ghi nhận như: Chương trình phối hợp với
ngành y tế khám, chữa bệnh cho nhân dân; chương trình phối hợp với ngành giáo dục
trong công tác xóa mù chữ… Các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng,
chính quyền địa phương, nhà trường trên địa bàn khảo sát, lựa chọn học sinh nhận
đỡ đầu đảm bảo đúng đối tượng.
Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp
cùng các nhà trường và chính quyền địa phương tổ chức khảo sát thực trạng các
điểm trường trên địa bàn biên giới và lựa chọn các cháu học sinh để hỗ trợ, đỡ
đầu; đồng thời xây dựng kế hoạch, phát động Chương trình “Nâng bước em đến trường”;
tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên chức
quốc phòng. Đến nay, đã có 69 học sinh trên địa bàn biên giới tỉnh Lào Cai được
tiếp tục đến trường nhờ tình thương yêu, đùm bọc của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội
Biên phòng. Trong đó, mỗi đồng chí Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các phòng,
ban nhận đỡ đầu 2 em, còn lại các đơn vị cơ sở nhận đỡ đầu. Từ việc tiết kiệm
tiền lương, phụ cấp của cán bộ, chiến sỹ và tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ,
trung bình mỗi học sinh được các cá nhân, đơn vị nhận đỡ đầu, hỗ trợ mỗi em 500.000
đồng/tháng đến khi học hết lớp 12. Tính từ năm 2016 đến nay, Bộ đội Biên phòng
Lào Cai đã hỗ trợ cho các cháu 580 triệu đồng.
Trong quá trình triển
khai thực hiện Chương trình, các đồn biên phòng trên tuyến biên giới đã có nhiều
mô hình hay, cách làm sáng tạo như: mô hình “Hũ gạo tình thương nâng bước em tới
trường”, “Lớp học buổi tối”... tiêu biểu là mô hình “Nhận nuôi dưỡng”, đến nay,
có 11 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới, được các đồn biên
phòng nhận về nuôi dưỡng tại đơn vị, bố trí nơi ăn, ngủ, góc học tập và mua sắm
quần áo, chăn, màn, sách vở, đồ dùng học tập và cử cán bộ kèm cặp, giúp đỡ các em
trong học tập. Nhiều cán bộ, chiến sỹ vừa góp tiền hỗ trợ, vừa thực hiện chức
năng của người cha, người mẹ khi đưa đón các em đi học, họp phụ huynh và chỉ dạy
các em trong cuộc sống hằng ngày; không
chỉ giúp các em có chất lượng, hiệu quả học tập cao mà còn là hành trang cần
thiết cho mai sau.
Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên cử cán bộ liên hệ với
gia đình, nhà trường, địa phương trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ các em được nhận đỡ
đầu và định hướng nghề nghiệp; phối hợp với nhà trường tổ chức phong trào văn
hóa, văn nghệ, thể thao nâng cao sức khỏe, thể chất và vận dụng tổ chức tốt
công tác giáo dục quốc phòng - an ninh trong nhà trường. Các học sinh được đỡ đầu
đều có hoàn cảnh đặc biệt, nhờ có sự quan tâm của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên
phòng nên kết quả học tập có sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ chuyên cần đạt trên
98%; tổng kết năm học 2016 - 2017 có 10 em đạt học sinh giỏi, 54 em đạt học
sinh khá, 5 em đạt học sinh trung bình.
Có thể khẳng định,
Chương trình “Nâng
bước em đến trường” trở thành nguồn lực quan trọng tiếp thêm nghị lực cho nhiều gia đình,
nhiều em nhỏ vững bước tới trường, củng cố niềm tin, tạo được nhiều dấu ấn đậm
nét trong lòng nhân dân khu vực biên giới với hình ảnh người chiến sỹ mang quân
hàm xanh. Trên những nẻo đường, thôn, bản vùng biên giới, hình ảnh
chiến sỹ biên phòng, cùng các thầy cô giáo đến từng nhà vận động học sinh đến lớp,
hay hình ảnh học sinh từ các đồn biên phòng cắp sách tới trường đã trở thành
thân quen, gần gũi.
Thanh Cường