75 năm xây dựng và trưởng thành

  •  

LCĐT - Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Văn Bàn phấn khởi kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Văn Bàn (27/9/1947 - 27/9/2022), 76 năm ngày thành lập chính quyền cách mạng địa phương (17/8/1946 - 17/8/2022); nỗ lực thi đua thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sau Cách mạng Tháng Tám, để củng cố chính quyền và bảo vệ thành quả cách mạng, Tỉnh bộ Việt Minh Yên Bái đã cử cán bộ và các đơn vị võ trang lên Văn Bàn tăng cường xây dựng cơ sở cách mạng và lập chính quyền dân chủ nhân dân. Ngày 17/8/1946, tại xã Dương Quỳ, lực lượng cách mạng tuyên bố thành lập Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến huyện Văn Bàn.

Trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 27/9/1947, Tỉnh ủy Yên Bái đã Nghị quyết thành lập Huyện ủy Văn Bàn. Khi mới thành lập, Huyện ủy Văn Bàn có 1 chi bộ với 5 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Hữu Minh làm Bí thư Huyện ủy. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ huyện Văn Bàn luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng; năng động, sáng tạo trong mỗi chủ trương, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp để triển khai hiệu quả các chương trình hành động cách mạng, xây dựng quê hương Văn Bàn ngày càng giàu mạnh.

Bí thư Huyện ủy Văn Bàn Phí Công Hoan ôn lại truyền thống cách mạng với cán bộ và học sinh tại Khu Di tích lịch sử Gia Lan.

Theo dòng lịch sử, dưới thời các triều đại phong kiến Việt Nam, Văn Bàn thuộc trấn Hưng Hóa là vùng đất cận kề vùng biên ải phía Tây Bắc của đất nước. Nhân dân các dân tộc nơi đây luôn phát huy truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, cần cù trong lao động, sản xuất, xây dựng và gìn giữ quê hương. Từ khi có Đảng lãnh đạo, Huyện ủy Văn Bàn đã chỉ đạo tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc, xây dựng tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng, chỉ đạo các phong trào đấu tranh ở địa phương. Trong chiến dịch Lê Hồng Phong, ngày 16/11/1950, huyện Văn Bàn được giải phóng. Từ đây, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Văn Bàn bước vào thời kỳ cách mạng mới, xây dựng hậu phương vững chắc, tích cực tham gia sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp, tiễu phỉ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ huyện Văn Bàn đã chỉ đạo thực hiện thắng lợi việc xây dựng hợp tác xã, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và là địa phương luôn đi đầu trong các phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời huy động sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đầu năm 1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, Đảng bộ Văn Bàn tiếp tục lãnh đạo đồng bào các dân tộc địa phương thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khi tái lập tỉnh Lào Cai vào tháng 10/1991, Văn Bàn trở thành 1 trong 9 huyện, thị xã của tỉnh. Hơn 30 năm thực hiện nghị quyết với 7 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, từ Đại hội lần thứ XV (1991 - 1995) đến Đại hội XXI (2020 - 2025), vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, đặc biệt là triển khai Chương trình 135/CP và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình trọng tâm hướng về cơ sở của Tỉnh ủy Lào Cai, huyện Văn Bàn đã đạt thành tựu quan trọng.

Từ 1 chi bộ với 5 đảng viên ngày đầu thành lập, năm 1991, Đảng bộ huyện Văn Bàn có 1.022 đảng viên, sinh hoạt tại 39 chi bộ, đảng bộ, đến nay, tổng số đảng viên tăng 6 lần, với 6.197 đảng viên, sinh hoạt tại 35 chi bộ, đảng bộ trực thuộc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được đảng bộ tập trung chỉ đạo trên cả 5 trụ cột: Chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ được nâng lên, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã mang lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên.

Buổi sinh hoạt chi bộ tại thôn Yên Thành, xã Khánh Yên Thượng.

Kinh tế - xã hội phát triển ổn định và bền vững, tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 1991 mới đạt 14.807 tấn, đến năm 2021 tăng hơn 4 lần, đạt 69.821 tấn; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 2 lần, đạt 14,1% (giai đoạn 2015 - 2020); năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 48,9 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,3%. Thu ngân sách trên địa bàn năm 1991 chỉ tính bằng lương thực, thực phẩm, đến năm 2021 đạt hơn 800 tỷ đồng. Diện mạo nông thôn, đô thị Văn Bàn có nhiều khởi sắc. Hệ thống giao thông phát triển, 100% đường trục xã được nhựa hóa; tất cả thôn, bản có điện lưới quốc gia.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có bước phát triển mới, cả về quy mô mạng lưới trường, lớp và chất lượng giáo dục. Năm 2021, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi được đến trường đạt 99,7%, với 72/80 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác khám và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm; Bệnh viện Đa khoa huyện được xây dựng khang trang, 22/22 xã, thị trấn có trạm y tế. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao không ngừng phát triển, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần trong Nhân dân. Năm 2021, huyện Văn Bàn có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc, chiến sĩ các lực lượng vũ trang huyện Văn Bàn luôn phát huy thành tựu trong chặng đường cách mạng đã qua, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vận dụng  sáng tạo từng phong trào cách mạng ở địa phương; huy động mọi nguồn lực trong Nhân dân các dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương sáng, đề cao vai trò người đứng đầu đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để triển khai hiệu quả các chương trình hành động cách mạng, thường xuyên được tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung các giải pháp chỉ đạo qua mỗi kỳ đại hội đảng bộ…

Một góc thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn).

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Văn Bàn đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong huyện đạt những thành tựu to lớn và đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1979), hạng Nhì (năm 1982), hạng Nhất (năm 1999); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 2003) và Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2010).

Với khát vọng phát triển để đời sống Nhân dân ngày càng no ấm, hạnh phúc, trước vận hội mới, huyện Văn Bàn tiếp tục phấn đấu phát huy vai trò “cửa ngõ” của tỉnh khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe; là điểm trung chuyển hàng hóa và kết nối kinh tế vùng khi các tuyến giao thông Lào Cai nối với các tỉnh vùng Tây Bắc và Cảng Hàng không Sa Pa được triển khai xây dựng. Những thuận lợi này sẽ giúp địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế trên 4 trụ cột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đó là: Phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và đô thị; phấn đấu xây dựng Văn Bàn trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lào Cai.

Phí Công Hoan

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Bàn

Duong Hien Diep (Nguon LCĐT)
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập