Dãy núi đá trắng và đỉnh núi nhọn thuộc thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) nhìn như đôi cánh đại bàng khổng lồ đang dang rộng. Ngày trước, khi mùa xuân đến có những đôi đại bàng rủ nhau về làm tổ nên đồng bào Mông nơi đây gọi là núi Đại Bàng.
"Ngày nay, dưới chân núi ấy, các hộ người Mông chinh phục núi đá, biến sườn dốc trở thành những vườn lê, vườn mận sai trĩu quả, giúp đời sống thêm ấm no” - anh Giàng A Sủ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cán Cấu trò chuyện và đưa chúng tôi đi thăm vùng đất dưới chân núi Đại Bàng.
Sau 3 ngày vất vả, chiếc chòi gỗ thông bên ngôi nhà trình tường của gia đình anh Giàng A Dế, thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu đã được dựng lên. Ngôi nhà nằm sát ngay chân núi đá sừng sững. Ngồi ở đây vừa có thể nhâm nhi chén trà cổ thụ, vừa có thể ngắm vườn lê sai trĩu quả ngay gần đó, phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thung lũng phía dưới và trung tâm xã Cán Cấu ở xa xa ẩn hiện trong sương mây tuyệt đẹp. Anh Dế bảo mình sinh ra tại vùng đất này nên mấy năm trước có ý tưởng muốn trở về đây làm một ngôi nhà nhỏ bình yên, trồng cây ăn quả, thi thoảng đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
So với những thôn khác của xã Cán Cấu thì Mù Tráng Phìn chỉ cách trung tâm xã khoảng 3 km nhưng địa hình nhiều sườn núi dốc, đất sản xuất không nhiều, bù lại được thiên nhiên ưu ái ban cho khí hậu mát mẻ, phong cảnh nên thơ. Đặc biệt, ngay dưới chân núi Đại Bàng có khu đất khá rộng và bằng phẳng, trước đây chỉ để cây cỏ mọc hoang. Cách đây 7 năm, Giàng Seo Dế bàn với vợ bỏ công phát dọn cây cỏ, san tạo khu đất thành bậc thang rồi mua 200 cây giống lê Tai nung về trồng. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, những cây lê phát triển rất nhanh, sang đến năm thứ 3 đã cho quả bói. Lê Tai nung trồng dưới núi Đại Bàng quả nào cũng to, căng mọng, vỏ mỏng dính, vị ngọt mát. Phấn khởi vì lê được mùa, Giàng A Dế trồng thêm 400 gốc lê nữa, biến nơi đây trở thành vườn lê xanh tốt.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn lê đang vào mùa sai trĩu quả, chuẩn bị thu hoạch, Giàng A Dế tươi cười: "Vụ lê năm trước, gia đình tôi thu hoạch 2,5 tấn lê, bán được khoảng 80 triệu đồng. Phấn khởi hơn nữa là nhiều người dân, du khách đã đến tận vườn lê tham quan, trải nghiệm. Năm nay, dự kiến vườn lê cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả. Vừa qua, gia đình tôi đã cải tạo lại không gian theo hướng vườn lê sinh thái, làm đường lên xuống thuận lợi, làm chòi ngắm cảnh để du khách đến tham quan, trải nghiệm hái lê tại vườn".
Cũng nằm dưới chân núi Đại Bàng nhưng sát ngay bên đường trục thôn về phía taluy âm là là mảnh đất dốc của gia đình anh Giàng A Sủ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cán Cấu. Từ xa nhìn lại khu đất cũng không có gì ấn tượng bởi chỉ có màu xanh của cây cối. Vào tháng 5, khi những cơn mưa rào mùa hạ đổ xuống, cây cối tươi tốt hẳn, khắp vùng này ở đâu chẳng có những cây mận ra lá xanh mướt như vậy.
Tuy nhiên, khi anh Giàng A Sủ đưa chúng tôi xuống thăm vườn thì chao ôi quá bất ngờ bởi nhìn gần cây mận nào cũng trĩu quả. Những quả mận to bằng ngón tay cái, vỏ xanh đậm, lẫn trong màu lá mà nhìn xa không thể thấy được. Có những cây mận chỉ cao hơn đầu người mà từ gốc cây đến tận đầu cành đâu đâu cũng là quả mọc chen nhau.
Lên vùng cao Si Ma Cai nhiều lần, tôi được biết vùng đất này là xứ sở của mận. Cây mận có sức sống mãnh liệt, hợp với địa hình đất dốc, chịu được sự khô cằn của đất đai nên dễ trồng lại cho nhiều quả. Mận ở Si Ma Cai cũng có nhiều giống khác nhau nhưng nổi tiếng nhất và ngon nhất là mận Tam hoa, mận Tả Van, mận hậu. Một số giống mận địa phương tuy sai quả nhưng giá trị kinh tế không cao vì vị chua, ít người thích ăn.
Tôi hỏi đây là giống mận gì mà sai quả thế? Anh Giàng A Sủ “bật mí”: Vườn nhà mình trồng giống mận địa phương nhưng là loại mận đặc biệt, khi chín quả to như mận Tam hoa, vỏ màu xanh chuyển sang màu vàng bóng, ruột vàng, ăn rất giòn và ngọt. Điều đáng nói, hiện nay chỉ có anh Sủ và một số hộ dân trong thôn Mù Tráng Phìn còn trồng giống mận này, ở nơi khác không có.
“Ngày tôi còn nhỏ, trong thôn có những cây mận cổ thụ sai trĩu, quả ăn thơm và ngọt lắm, bà con gọi là “seng sủi”, dịch ra nghĩa là “7 giòn”. Về sau, những cây mận già chết đi, người dân cũng không chú ý trồng thêm nên giống mận này gần như bị tuyệt chủng. May mắn là trong vườn nhà tôi còn sót lại một cây mận cổ. Không muốn mất đi giống mận quý nên tôi đã chiết, ghép được một số cây trồng trong vườn. Năm 2015, tôi tiếp tục ghép thêm được hơn 100 cây, đưa lên trồng ở khu đất dưới núi Đại Bàng. Năm 2023, cây cho rất nhiều quả, gia đình tôi thu hoạch gần 3 tấn, bán được 80 triệu đồng”, anh Sủ kể.
Trong câu chuyện về việc bảo tồn giống mận quý, anh Sủ bảo gia đình mất nhiều công trồng và chăm sóc nhưng 6 năm đầu cây không có quả, hoặc quả bói ít, anh nghĩ mình đã thất bại, bao hy vọng tiêu tan, buồn không kể xiết. Cũng có lúc nản định chặt cây đi để trồng lê hoặc mận Tam hoa, nhưng thấy tiếc nên không đành. Tuy nhiên, sang đến năm thứ 7 cây đã trả ơn người, ra quả sai hơn, quả ăn giòn và ngọt. Điều đặc biệt là giống mận này chín muộn hơn mận Tam hoa, đến tháng 7 mới cho thu hoạch nên việc tiêu thụ rất dễ dàng. Anh Sủ đang tiếp tục nhân giống “7 giòn” cung cấp cho bà con trong thôn cùng trồng.
Dạo quanh thôn Mù Tráng Phìn những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lạc vào vùng quả ngọt dưới chân núi Đại Bàng. Thời điểm giữa tháng 6, mận Tam hoa, mận Tả Van đã chín rộ và vào cuối vụ nhưng lê Tai nung thì bắt đầu chín trong vườn. Anh Giàng A Sủ đưa chúng tôi đi thăm vườn lê Tai nung của một số hộ trong thôn.
Đứng giữa vườn lê sai trĩu quả, anh Ly A Vần, Bí thư Chi bộ thôn Mù Tráng Phìn tươi cười: Cả thôn hiện có 50 ha lê, 30 ha mận Tả Van. Vụ quả năm trước, gia đình các ông Ly A Lử, Ly A Quả, Giàng A Sớ, Giàng A Chô, Cư A Xeng, Cư A Lử… bán lê được từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Năm 2023, thôn giảm được 5 hộ nghèo đều nhờ cây lê, cây mận. Gia đình Ly A Quả, Giàng A Sớ trước đây nghèo lắm, nhờ có vườn lê cho thu nhập mà đến nay đã thoát nghèo rồi.
Tìm hiểu thêm về thôn Mù Tráng Phìn, chúng tôi được biết thôn có 130 hộ đều là đồng bào Mông, sống thành 3 khu dân cư. Những năm qua, cùng với trồng ngô, trồng lúa, nhiều hộ tích cực chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, sa nhân tím. Năm 2023, tổng nguồn thu từ các loại cây ăn quả và cây sa nhân tím của bà con trong thôn đạt hơn 3 tỷ đồng. Đời sống được nâng lên, có hơn 20 hộ đã xây được nhà khang trang, mỗi ngôi nhà trị giá khoảng 400 - 500 triệu đồng...
Lúc chia tay tôi dưới chân núi Đại Bàng, anh Giàng A Sủ bảo mặc dù đời sống đồng bào Mông ở Mù Tráng Phìn đã ấm no hơn nhưng thôn vẫn còn không ít khó khăn vì vẫn còn hơn 50 hộ nghèo và cận nghèo. Thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung phát triển cây lê Tai nung, cây mận “7 giòn”, biến vùng đất dưới chân núi Đại Bàng trở thành vùng quả ngọt, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái giúp bà con giảm nghèo bền vững.
Trình bày: Hoàng Thu