Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
    LCĐT - Sáng 28/9, tại Trung tâm hội nghị thành phố Lào Cai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chủ trì hội nghị có các đại biểu Quốc hội: Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hà Đức Minh, Nguyễn Thị Lan Anh.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; cùng hơn 180 cử tri là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Quang cảnh hội nghị.

Quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã khái quát một số thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng cho biết: Chính sách dân tộc và công tác dân tộc đã và đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 10/NQ-CP về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có mục tiêu tới năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm tối thiểu 3%/năm… Đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế bình quân các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 6% - 6,5%/năm; thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%.

Các đại biểu Quốc hội chủ trìhội nghịtiếp xúc cử tri.

Về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trong thời gian qua đã tập trung giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; tiếp xúc cử tri và tiếp công dân, xử lý đơn, thư, trong đó đặc biệt quan tâm đến công dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều kiến nghị với các cấp, ngành của tỉnh

Cử tri huyện Bảo Thắng đề nghị tỉnh có chính sách xây dựng nhà văn hóa các dân tộc thiểu số để lưu giữ, trưng bày hiện vật, hình ảnh về đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Cử tri huyện Bảo Yên nêu kiến nghị giải quyết tốt các phát sinh sau khi các thủy điện vận hành, nhất là những vấn đề liên quan đến đất sản xuất, môi trường, nguy cơ thiên tai, rủi ro. Đề nghị tỉnh có nguồn phụ cấp hằng tháng cho một số chức danh cán bộ không chuyên trách tại các thôn.

Cử tri thị xã Sa Pa tiếp tục phản ánh Thủy điện Nậm Cang gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân; Thủy điện Nậm Củm chậm trễ thanh toán tiền đền bù. Cử tri phường Sa Pa cho rằng việc quy định khống chế về chiều cao, mật độ xây dựng công trình nhà ở đến nay không phù hợp với ngành du lịch phát triển "phi mã". Cử tri phường Cầu Mây phản ánh điểm sạt tại Km1+800 Tỉnh lộ 152 vừa gây tắc nghẽn giao thông vừa ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, đường nước sinh hoạt của người dân.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các xã vùng cao.

Cử tri đồng bào dân tộc thiểu số xã Nấm Lư (huyện Mường Khương) nêu hiện tượng ngập úng tại cánh đồng rộng 27 ha trong nhiều năm qua đã gây mất mùa thường xuyên cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn; đề nghị nâng mức hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng nhà văn hóa tại các thôn vùng cao.

Cử tri huyện Bắc Hà và huyện Bảo Yên đề nghị duy trì chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số; bố trí hợp lý tỷ lệ cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số trong các cơ quan hành chính Nhà nước.

Kiến nghị chính sách với cấp Trung ương

Cử tri huyện Bảo Thắng kiến nghị thực hiện chế độ, chính sách đặc thù với nghệ nhân là đồng bào dân tộc thiểu số đang truyền dạy, giữ gìn, phát huy giá trị di sản cộng đồng; đề nghị giảm mức học phí cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số sau khi có sự điều chỉnh từ tiêu chí nông thôn mới.  

Các cử tri nêu ý kiến về chính sách xã hội.

Cử tri huyện Bảo Yên đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nông thôn; đề nghị duy tu tuyến Quốc lộ 70; cấp kinh phí, phụ cấp cho một số chức danh cán bộ không chuyên trách tại cơ sở; đề nghị hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong cộng đồng.

Cử tri huyện Bát Xát đề nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du khách nước ngoài đi từ vùng nội địa đến vùng biên giới. Cử tri huyện Si Ma Cai đề nghị Chính phủ hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng người cao tuổi sống tại vùng đặc biệt khó khăn; đề nghị sớm cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Cử tri nêu ý kiến về hỗ trợ đời sống.

Cử tri thành phố Lào Cai đề nghị miễn, giảm học phí cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường nghề, trường cao đẳng, đại học.

Cử tri huyện Bắc Hà và thị xã Sa Pa đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ tặng quà hằng năm cho người có uy tín; đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét nghiên cứu xây dựng hoàn thiện chế độ, chính sách cho người có uy tín.

Củ tri nêu chính sách đặc thù.

Tiếp tục nêu cao vai trò của người có uy tín

Tại hội nghị, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giải đáp một số ý kiến, kiến nghị, thắc mắc của cử tri liên quan đến công tác điều hành, thực hiện chế độ, chính sách phát triển của UBND tỉnh và các cấp, ngành, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số...

Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị tiếp xúc cử tri với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động đổi mới nổi bật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong nhiệm kỳ này, đó là việc tăng cường các hội nghị tiếp xúc chuyên đề thay cho các hội nghị tiếp xúc cử tri thông thường, theo kế hoạch như trước đây.

Trong thực hiện chủ trương và công tác điều hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, đặc biệt coi trọng vai trò của người có uy tín nói chung, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng - những “cầu nối” chuyển tải, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở.

Hội nghị tiếp xúc cử tri đã có 27 người tham gia từ 1 đến 5 ý kiến. Tiếp thu, ghi nhận và giải đáp các ý kiến, kiến nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến, nhóm kiến nghị của cử tri để chuyển tới các cơ quan Trung ương, Quốc hội nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách. Đối với các ý kiến, kiến nghị liên quan đến tỉnh, Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp để đề nghị UBND tỉnh lãnh đạo các ngành, địa phương xem xét, giải quyết trong thời hạn sớm nhất.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Xuân Phong kết luận hội nghị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng chia sẻ với những khó khăn mà đồng bào dân tộc thiểu số đang bị ảnh hưởng rất rõ rệt sau khi Nhà nước điều chỉnh các chính sách phát triển, hỗ trợ, nổi bật là lĩnh vực y tế, giáo dục. Thuộc diện tỉnh khó khăn nhưng Lào Cai vẫn quan tâm thực hiện chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các gói hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên, tỉnh cũng đề nghị cộng đồng cùng chia sẻ, đồng thuận với những nỗ lực của địa phương trong triển khai chính sách ưu tiên.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: "Người có uy tín là do chính đồng bào suy tôn. Tôi tha thiết đề nghị những người có uy tín tiếp tục phát huy năng lực, sở trường của mình trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là việc xóa hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"...

Duong Hien Diep (Nguon LCĐT)
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập