UBND tỉnh làm việc với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
CTTĐT - Chiều ngày 03/7, đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà
Nội do TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và
làm việc với UBND tỉnh Lào Cai.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng đã giới thiệu tổng
quan về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới và thương mại biên giới tỉnh Lào Cai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Lào Cai là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế
phát triển kinh tế - xã hội, với 182,086km đường
biên giới, phía Bắc giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai trở thành một
nút giao thông quan trọng, một điểm trung chuyển lý tưởng cho sự lưu thông hàng
hóa, hợp tác thương mại giữa các tỉnh Trung du miền núi Bắc bộ cũng như cả nước
với Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế. Đồng thời, Lào Cai cũng là cầu nối
không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Vân Nam và Miền Tây
Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc; là cửa ngõ giao lưu
quốc tế trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng –
Quảng Ninh; nằm ở
trung tâm của hành lang Bắc – Nam trong
khu vực hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Kông, Lào Cai trở thành trung tâm
kinh tế mở, có cặp cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Trung Quốc)
đã và đang thu thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc và
các nước trong khối ASEAN đến đầu tư kinh doanh, mở rộng nhiều chương trình hợp
tác, Lào Cai trở thành “đầu tầu” kinh tế của vùng Trung du miền núi phía bắc,
kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Cùng
với đó Lào Cai còn có nhiều tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế
xã hội như: Tiềm năng phát triển công nghiệp, Lào Cai có trên 35 loại khoáng
sản khác nhau với trên 150 điểm mỏ có giá trị công nghiệp, trong đó có nhiều loại
khoáng sản quý, có chất lượng cao, trữ lượng lớn hàng đầu Việt Nam như Apatít
(2,2 tỷ tấn) sắt (150 triệu tấn), đồng (100 triệu tấn), vàng. Molípđen,
fenspat, graphít,… Ngoài ra, tỉnh còn có nguồn thủy năng với công suất các nhà
máy thủy điện theo quy hoạch đạt trên 1.000MW. Lào Cai một
môi trường thiên nhiên rất đa dạng, nhiều động, thực vật phong phú. Khí hậu
nhiệt đới, cận ôn đới, ôn đới rất thích hợp cho sản xuất, phát triển các loại
cây trồng nhiệt đới như các loại rau, hoa, chè vùng cao, cây ăn quả…; tiềm năng
phát triển du lịch lớn, với lợi thế có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Đông Dương
3.143m, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng gắn với các địa danh như Sa Pa,
Bắc Hà, Bát Xát, với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, Những năm qua, tốc độ khách du lịch tăng bình quân từ 25% - 30%, trong đó tỷ lệ
khách nước ngoài 30%-40%, với 74 quốc tịch khác nhau.
Về
kết quả hoạt động thương mại biên giới qua địa bàn tỉnh trong thời gian qua,
với tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới tỉnh
Lào Cai giai đoạn từ năm 2010 đến hết 6 tháng đầu năm 2017 đạt 14,1 tỷ USD, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là nông –
lâm – thủy sản.
Đồng
chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, trong những năm gần đây Chính phủ
Trung Quốc đang rất quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế khu vực biên giới nằm
trong chiến lược “Đại khai phá miền Tây”. Trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng,
giao thông, đưa ra các chính sách đặc thù cho khu vực biên giới, mở cửa hợp tác
qua biên giới về sản xuất, mậu dịch, giao thông vận tải, viễn thông, năng
lượng, nguồn nhân lực, coi trọng thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng ngoại
thương. Đây cũng là điều kiện quan trọng góp phần hình thành và phát triển các
khu kinh tế qua biên giới giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung
Quốc).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn bên cạnh việc
nghiên cứu khảo sát về Lào Cai, trong thời gian tới, Trường hỗ trợ tỉnh trong
việc nghiên cứu khoa học; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng
giới thiệu về Khu hợp tác qua biên giới và thương mại của tỉnh.
Tại
buổi làm việc, các đại biểu cũng đã thảo luận làm rõ về các vấn đề: Vai trò, vị
thế của tỉnh Lào Cai trong hành lanh kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải
Phòng và việc Lào Cai tận dụng vị thế này để phát triển kinh tế địa phương; Lợi
ích sẽ đem lại cho Lào Cai khi Khu hợp tác kinh tế biên giới Lào Cai – Vân Nam
hình thành; cơ chế, chính sách trong khu hợp tác kinh tế qua biên giới; hình
thức thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Lào Cai; việc phát huy lợi thế
của cả Lào Cai và nước bạn tại khu sản xuất sạch; việc kết hợp với các Viện
nghiên cứu Việt Nam, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chế biến các sản phẩm
như chuối, dứa,… các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp Lào Cai; những giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.

TS Nguyễn Anh Thu Phó Hiệu trưởng
Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.
Phát
biểu tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc
gia Hà Nội bày tỏ ấn tượng sâu sắc của Đoàn công tác đối với những tiềm năng,
lợi thế phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lào
Cai và những kết quả hoạt động thương mại biên giới qua địa bàn tỉnh trong thời
gian qua. Đồng chí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà
Nội cảm ơn tỉnh Lào Cai giành thời gian tiếp đón và cung cấp thông tin cho Đoàn
công tác và mong muốn rằng tỉnh và các Sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp,
giúp đỡ Đoàn công tác của Nhà trường trong việc nghiên cứu Đề tài tìm hiểu Lào
Cai thương mại biên giới và thương mại qua biên giới; phối hợp trong công tác
đào tạo trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng chụp
ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia
Hà Nội.
Lệ Hằng