Bốn gương sáng tiêu biểu của tỉnh Lào Cai sẽ tham dự Lễ Tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017.
Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2017), Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ Tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017. 
Nguyễn Lê  Hoài Anh - cô nữ sinh tài năng của Lào Cai (Ảnh: AT).


Đại diện cho tỉnh Lào Cai có 04 gương mặt tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đó là: Bà Tẩn Thị Su, sinh năm 1986, thôn Lao Hàng Chải, xã Lao Chải, huyện Sa Pa, là tấm gương điển hình tiên tiến đại diện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai hoạt động về mô hình kinh doanh vì cộng đồng, xã hội; Ông Chảo Láo Khờ, sinh năm 1988, thôn Sủng Hoảng 2, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, là tấm gương dũng cảm trong thiên tai đã quên mình để cứu người và cứu tài sản của nhân dân, với hành động dũng cảm cứu sống kịp thời 16 hộ, 104 nhân khẩu thoát được cơn mưa lũ trong đêm 5/8/2016, anh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen với thành tích đặc biệt xuất sắc; Ông Vũ Văn Thính, sinh năm 1957, thôn Thái Vô, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, là tấm gương tiêu biểu nông dân làm kinh tế giỏi biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế bền vững. Hàng năm tổng doanh thu của trang trại gia đình đạt xấp xỉ 35 tỷ đồng, trừ chi phí cho kinh doanh lãi thu về đạt trên 900 triệu/năm. Năm 2015 ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen trong phong trào “Nông dân kinh doanh sản xuất giỏi” giai đoạn 2010 – 2015;  Học sinh Nguyễn Lê Hoài Anh, sinh năm 1999, Lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai, là một trong ba học sinh Việt Nam và cũng là nữ sinh Lào Cai đầu tiên giành học bổng toàn phần của trường Đại học Stanford - Mỹ trị giá 288.000 USD (tương đương 6,5 tỷ đồng) cho 4 năm. Nguyễn Lê Hoài Anh cũng chính là người sáng lập Warmth – Dự án cung cấp áo ấm cho trẻ em vùng cao; sáng lập Hand in Hand project – Dự án phát triển túi giấy bảo vệ môi trường; sáng lập Model United Nations tại trường THPT Chuyên Lào Cai; là đại diện thế hệ trẻ xung kích, sáng tạo của tỉnh.
 

Cô gái Hơ Mông Tẩn Thị Su – một trong những doanh nhân trẻ tiêu biểu nhất trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Lào Cai (Ảnh: LH).


Đặc biệt tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 sẽ có 11 gương điển hình tiên tiến xuất sắc đại diện cho các Bộ, ngành, tỉnh trong toàn quốc tham dự chương trình giao lực trực tiếp tại Lễ tuyên dương, trong 11 gương mặt đó có bà Tẩn Thị Su, đại diện cho tỉnh Lào Cai tham gia giao lưu với các điển hình tiên tiến trong toàn quốc.

Năm 2013 doanh nghiệp lữ hành đầu tiên của người đồng bào dân tộc ở Sa Pa được thành lập mang tên “Sa Pa O’Châu”, với mục đích thúc đẩy giáo dục, nâng cao dân trí, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương để từ đó phát triển cộng đồng một cách bền vững do bà Tẩn Thị Su điều hành chính, lúc đầu chỉ có 6 nhân viên và khó khăn nhất là không có vốn để phát triển nhưng Tẩn Thị Su không quản ngại khó khăn bằng những cuộc hành trình không mệt mỏi để tìm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để đưa doanh nghiệp phát triển, đến nay doanh nghiệp do Tẩn Thị Su điều hành tạo việc làm 50 nhân viên đều là người dân tộc thiểu số, giúp xây dựng 15 cơ sở lưu trú của người dân bản địa, lĩnh vực kinh doanh cũng được mở rộng, từ kinh doanh dịch vụ du lịch kết hợp với việc sản xuất và quảng bá các mặt hàng thổ cẩm đặc trưng của dân tộc H’Mông. Điều đặc biệt hơn là toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh của doanh nghiệp do Tẩn Thị Su điều hành đều được sử dụng hết vào việc hỗ trợ các em nhỏ dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn để các em yên tâm đi học.

Tính đến cuối năm 2015, Sa Pa O’Châu đã kết nối thành công với các cơ sở đào tạo nghề giúp 200 em học sinh theo học và nhận chứng chỉ để làm hướng dẫn viên thuyết minh viên chuyên nghiệp. Trong số đố có 28 em đang làm việc trực tiếp cho doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của Tẩn Thị Su, tiếp tục duy trì hỗ trợ cho gần 60 em học sinh đang theo học Đại học, Cao đẳng trên cả nước, trong đó có 23 em đã tốt nghiệp ra trường với bằng khá trở lên và Sa Pa O’Châu đang cung cấp chỗ ở và các chi phí sinh hoạt đầy đủ cho 35 học sinh cấp ba tại Sa Pa.

Thành công lớn nhất của bà Tẩn Thị Su là xây dựng được văn hóa riêng của dân tộc mình cho doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc và tạo niềm tin cũng như động lực để các dân tộc khác học hỏi mô hình kinh doanh vì cộng đồng, vì xã hội. Tẩn Thị Su cũng tham gia vận động rất nhiều các bậc phụ huynh để họ đồng ý cho con em mình đến trường thay vì việc ép các em ở nhà lao động và kết hôn sớm.

Năm 2016, Tẩn Thị Su là cô gái người Mông đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 30 gương mặt tiêu biểu nổi bật trong năm.

Phạm Hồng Minh

 

 


 Tác giả: Phạm Hồng Minh

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập