Lào Cai đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong cơ quan Nhà nước
CTTĐT - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) và mạng Internet hiện nay đã làm thay đổi căn bản các hoạt động trong đời sống xã hội. Trong đó việc ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trong các cơ quan Nhà nước là nhu cầu cần thiết trong các giao dịch trên môi trường mạng, nhằm phục vụ công tác cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử.


Văn phòng UBND tỉnh ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử.

Mặt khác, việc triển khai ứng dụng chữ ký số, chứng thư số có hiệu quả còn đảm bảo an toàn, độ tin cậy cho các giao dịch điện tử trên mạng Internet phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của các cơ quan Nhà nước.

Những kết quả bước đầu tích hợp chữ ký số vào các ứng dụng CNTT

Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang được quan tâm và chú trọng. Các hệ thống ứng dụng CNTT được đầu tư theo mô hình tập trung tại Trung tâm mạng thông tin của tỉnh như: Hệ thống thư điện tử công vụ; Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống Dịch vụ hành chính công tích hợp một cửa điện tử liên thông hiện đại; Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lào Cai… đã được sử dụng trong hầu hết các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và từng bước đến cấp xã. Ngoài ra còn có hệ thống Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lào Cai; Hệ thống theo dõi, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, ý kiến chỉ đạo, điều hành của TW và tỉnh.

Cùng với việc vận hành các hệ thống trên, nhu cầu trao đổi, luân chuyển văn bản điện tử, hồ sơ, tài liệu điện tử trong các cơ quan Nhà nước ở tỉnh ngày càng tăng. Một vấn đề đặt ra là cần có giải pháp vừa bảo đảm an toàn thông tin, vừa bảo đảm tính toàn vẹn, tính xác thực, tính chống chối bỏ nội dung thông tin được gửi nhận qua mạng Internet. Với công nghệ phát triển như hiện nay, vấn đề này được giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó chữ ký số là một trong những giải pháp hiện đại, thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả nhất trong giao dịch điện tử.

 

Lào Cai triển khai tích hợp chữ ký số vào phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh.

Để triển khai ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước tại Lào Cai, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về chữ ký số dành cho tổ chức, cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hiện nay, Lào Cai đang triển khai tích hợp chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh. Phần mềm này cùng với các hệ thống Cổng TTĐT và hệ thống dịch vụ hành chính công đang được tỉnh triển khai theo hình thức thuê dịch vụ CNTT của Tập đoàn VNPT. Ngoài ra, Lào Cai cũng đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm, trung hạn và dài hạn cho ứng dụng chữ ký số trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã triển khai ứng dụng chữ ký số đến 100% các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 70% số xã trên địa bàn tỉnh. Tổng chữ ký số được cấp và đưa vào sử dụng cho gần 300 chữ ký số tổ chức và trên 170 chữ ký số cá nhân; để sử dụng hiệu quả chữ ký số đã cấp phát, tỉnh Lào Cai đã ban hành quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử đối với 8 loại danh mục văn bản có ký số thì không cần phải gửi theo đường công văn truyền thống, đến nay 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử.

Trao đổi với ông Tăng Văn Hạnh – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong năm 2014, Lào Cai đã triển khai tổ chức diễn tập và Hội thảo bảo đảm an toàn, an ninh thông tin điện tử trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, trong đó có mời chuyên gia của Ban cơ yếu Chính phủ trình bày giới thiệu, hướng dẫn sử dụng chữ ký số, các quy định về quản lý thiết bị chữ ký số. Năm 2015, 2016, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đăng ký cấp phát và tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng cho trên 650 cán bộ là lãnh đạo, cán bộ văn thư, cán bộ chuyên trách/ phụ trách CNTT và các cán bộ được cấp chữ ký số cá nhân của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang rà soát đăng ký cấp bổ sung chữ ký số, sau khi tổng hợp đăng ký xong, Sở tiếp tục tổ chức đào tạo cho các cơ quan, đơn vị, địa phương được cấp phát chữ ký số trong quí IV năm 2017.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho biết thêm về dự kiến trong năm 2018, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tích hợp chữ ký số vào 02 hệ thống là: Hệ thống dịch vụ hành chính công và hệ thống thư điện tử của tỉnh.

Một số khó khăn trong ứng dụng chữ ký số

Quyết định số 51/2015/QĐ-UBND ngày 15/10/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo đó, kể từ tháng 10/2015, các cơ quan, đơn vị bước đầu triển khai ứng dụng chữ ký số để gửi, nhận văn bản điện tử đối với 8 loại danh mục văn bản sau:

Lịch làm việc, lịch công tác (tuần, tháng, quí, năm) của lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh; Văn bản đăng ký lý lịch làm việc với Thường trực UBND tỉnh; Văn bản mới dự họp, dự hội nghị và các tài liệu kèm theo; Các loại báo cáo (tuần, tháng, quí, năm) Các văn bản sao y, sao lục, trích lục văn bản Trung ương; Văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị chỉ để biết; Văn bản thông báo giới thiệu con dấu, chữ ký, trụ sở làm việc, ý kiến kết luận của lãnh đạo cơ quan; Các loại văn bản, tài liệu khác mà cơ quan nhận văn bản không yêu cầu văn bản giấy.

Không áp dụng chữ ký số đối với các văn bản mật và các văn bản được quy định tại Điều 1, Luật Giao dịch điện tử, gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa  kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hộ, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc ứng dụng chữ ký số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong nhận thức và thói quen của người sử dụng. Để ứng dụng triệt để chữ ký số thì việc trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước phải được triển khai hoàn toàn theo hình thức điện tử.

Trong khi đó, trao đổi điện tử trong các cơ quan Nhà nước chưa thực sự trở thành công cụ chính. Đối với các văn bản Nhà nước, văn bản giấy với chữ ký “tươi” và “con dấu đỏ” hiện vẫn được xem là minh chứng cho hiệu lực của văn bản. Văn bản điện tử mặc dù đã được Chính phủ công nhận có giá trị tương đương nhưng trên thực tế chưa được người dùng sử dụng quen.

Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể của Nhà nước về công tác lưu trữ văn bản điện tử có chữ ký số, do vậy những văn bản vẫn phải gửi song song văn bản điện tử và văn bản giấy để lưu trữ; chưa có quy định thống nhất  từ Trung ương về danh mục các loại văn bản chữ ký số được gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử để thống nhất trong gửi, nhận từ Trung ương đến địa phương.

Giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT và đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong cơ quan Nhà nước

Để nâng cao hiệu quả trong việc cấp phát, quản lý và ứng dụng chữ ký số, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bảo đảm các yếu tố: Hạ tầng CNTT với hệ thống mạng hoạt động ổn định, đường truyền tốc độ cao kết nối mạng truyền số liệu hoặc mạng Internet; nguồn nhân lực là cán bộ chuyên trách CNTT hoặc bộ phận chuyên trách CNTT có khả năng hỗ trợ người dùng tại các đơn vị. Đồng thời làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng chữ ký số; phổ biến các văn bản hướng dẫn, quy định về ứng dụng chữ ký số cho các cơ quan Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT đáp ứng yêu cầu; hỗ trợ kỹ thuật kịp thời và đầy đủ trong quá trình ứng dụng chữ ký số tại cơ quan Nhà nước các cấp; quy định cụ thể danh mục các văn bản phải ký số gửi, nhận trên môi trường mạng, quy định tính pháp lý trên các loại văn bản chữ ký số,… Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần ban hành các quy định, quy chế về quản lý, lưu trữ và sử dụng chữ ký số, phấn đấu từng bước xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương.

Hoàng Nhật

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập