Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XIV, nhiệm kỳ 2011-2015 tiến hành từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 10 năm 2010 tại thành phố Lào Cai, Đại hội đã thông qua những nội dung sau:

I- Thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV với những nội dung cơ bản như sau:

 

Phần thứ nhất 

KIỂM ĐIỂM, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIII

 

  1.- Kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII

 

Năm năm qua (2006 - 2010), dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành năng động, sáng tạo của chính quyền các cấp cùng với sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận và nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tính đến hết năm 2010: Các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra đều hoàn thành, nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu đã đề ra ở mức cao. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao với mức bình quân 5 năm đạt 13% và có bước phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP giảm dần từ 35,4% ở đầu nhiệm kỳ xuống còn 27,9% vào năm 2010; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng dần từ 26,5% lên 34,2%. Sản xuất lương thực liên tục được mùa. Tiềm năng, lợi thế về cửa khẩu, công nghiệp, dịch vụ, du lịch được khai thác hiệu quả, đã và đang tạo đà phát triển mạnh mẽ cho Lào Cai. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư xây dựng, diện mạo đô thị, nông thôn và vùng cao ngày càng đổi mới, đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng mạnh với mức bình quân 5 năm tăng 20,5%. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục - đào tạo có bước phát triển vượt bậc ở tất cả các cấp học và ngành nghề đào tạo; đội ngũ cán bộ, công chức được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Khoa học kỹ thuật từng bước gắn với sản xuất và đời sống. An sinh xã hội được bảo đảm; công tác xóa đói, giảm nghèo thu được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân hằng năm giảm 5%; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng - an ninh được tăng cường và giữ vững, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững mạnh, đã triển khai tốt và hoàn thành kế hoạch phân giới cắm mốc làm tiền đề cho việc quản lý và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội được chú trọng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tinh thần cảnh giác đấu tranh làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch luôn được đề cao. Quan hệ đối ngoại, hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với một số nước và tổ chức quốc tế, đặc biệt là quan hệ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực và đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng có sự chuyển biến tích cực trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Phương pháp công tác và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ được đổi mới. Năng lực chỉ đạo, điều hành và quản lý của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Cải cách thủ tục hành chính bước đầu có chuyển biến tích cực. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể quần chúng tiếp túc được đổi mới về nội dung và phương thức, bảo đảm thiết thực và hiệu quả hơn. Nội bộ cấp uỷ đoàn kết, thống nhất, sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân ngày càng tăng. Sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được phát huy, tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên thành công của nhiệm kỳ 2005-2010.

 

 Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần được khắc phục như sau: Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 2/3 mức bình quân của cả nước, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém. Quy mô nền kinh tế nhỏ, chất lượng tăng trưởng thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và trong từng ngành, lĩnh vực còn chậm. Công tác xoá đói, giảm nghèo chưa bền vững, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu chuyển biến chậm. Thiết chế văn hoá cơ sở vẫn nghèo nàn. Tình hình an ninh ở một số địa bàn, tai nạn và tệ nạn xã hội như: di cư tự do, lợi dụng tôn giáo, buôn lậu, ma tuý… diễn biến phức tạp. Ở một số cơ sở, hoạt động lãnh đạo, điều hành, quản lý, nhất là năng lực cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng và chất lượng một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế.

 

2.- Nguyên nhân của những kết quả và hạn chế, yếu kém

 

2.1. Nguyên nhân đạt được những kết quả

 

Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo nghị quyết của Đảng vào thực tiễn của địa phương. Xác định đúng những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những tiềm năng, thế mạnh, những khâu đột phá và có bước đi phù hợp. Sớm ban hành được nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

 

Phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất cao, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy được sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc, các lực lượng xã hội.

 

Luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tổ chức kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Quan hệ đối ngoại luôn rộng mở, có cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút đầu tư.

 

Cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng đổi mới phương pháp công tác và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; quan tâm, sâu sát cơ sở, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và tính chủ động công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở.

 

Thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước và phát huy có hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng, tạo ra động lực mạnh mẽ huy động cán bộ, nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng công tác.

 

2.2. Nguyên nhân của hạn chế

 

a- Về khách quan:

 

Xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh thấp so với mặt bằng chung cả nước; nhận thức của nhân dân về sản xuất hàng hóa còn hạn chế, thiếu vốn; một số cơ chế, chính sách chưa thực sự thích hợp với điều kiện tỉnh vùng cao, biên giới.

 

Thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên địa bàn, gây thiệt hại lớn cho sản xuất, về người và tài sản nhân dân; tác động khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đưa đến tình trạng suy giảm kinh tế và lạm phát ở nước ta, đã làm cho sản xuất, đời sống của một bộ phận đồng bào càng thêm khó khăn. Hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém; nhất là hệ thống giao thông chậm được cải tạo, nâng cấp.

 

Các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đã gây những phức tạp trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh ở cơ sở, nhất là an ninh nông thôn ở một số địa bàn dân cư.

 

b- Về chủ quan:

 

Quy mô sản xuất hàng hoá còn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu. Hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại hạn chế; nhiều sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh thấp.

 

Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, nhất là ở cơ sở. Thiếu đội ngũ chuyên gia đầu đàn trong các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Chất lượng lao động và nguồn nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhận thức pháp luật trong một bộ phận dân cư còn hạn chế.

 

Việc cụ thể hóa nghị quyết ở một số cơ sở còn lúng túng, nhất là trong lãnh đạo, quản lý các hoạt động kinh tế, xã hội. Một số mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch và của một số đề án, dự án thuộc 29 đề án của tỉnh chưa sát thực tiễn; một số đề án, dự án đã đầu tư hiệu quả chưa cao, tiến độ một số dự án đầu tư thực hiện chậm. Hoạt động hệ thống chính quyền các cấp có lúc chưa đồng bộ, thông suốt, đã hạn chế hiệu quả thực hiện nghị quyết của cấp ủy. 

 

Phần thứ hai 

PHƯƠNG HƯỚNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ 

VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU, GIAI ĐOẠN 2011 – 2015 

 1- Tư tưởng chỉ đạo

 

Phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, phát triển công nghiệp là đột phá, phát triển thương mại - du lịch, dịch vụ là mũi nhọn. Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề cho nông dân, xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhanh chóng tạo ra các yếu tố nội lực vững mạnh. Phát triển công nghiệp làm động lực tăng trưởng. Phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch để khai thác hiệu quả lợi thế. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Lấy văn hóa, giáo dục làm nền tảng và động lực phát triển kinh tế, xã hội. Coi trọng phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 

2.- Mục tiêu tổng quát

 

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, bền vững, gắn với ổn định, phát triển xã hội, để đến năm 2015, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là địa bàn quan trọng về hợp tác và giao lưu quốc tế của vùng và cả nước. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao. Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ gìn biên giới ổn định, hoà bình, hữu nghị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh… tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2020, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

 

3.- Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015

 

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) bình quân hằng năm: 14%; trong đó, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,6% và dịch vụ tăng 14%. GDP bình quân đầu người: 38,4 triệu đồng (tương đương khoảng 1.900 - 2.000 USD). Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 24,8%; công nghiệp - xây dựng 41,1%; dịch vụ 34,1%.

 

Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 245 nghìn tấn. Xây dựng nông thôn đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới: 35 xã. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.100 tỷ đồng. Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn đạt khoảng 1,78 tỷ USD. Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn: 1.200 nghìn lượt người. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 3.500 tỷ đồng.

 

- Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015. Tạo việc làm mới cho 50.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53,2%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới từ 3 - 5%/năm. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,3%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn < 20%. Tỷ lệ hộ được xem Truyền hình Việt Nam: 90%. Tỷ lệ hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam: 97%. 82% số hộ đạt gia đình văn hoá; 60% số thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá; 95% số cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá.

 

- Tỷ lệ che phủ rừng: 53%. Cơ bản dân cư thành thị đều được sử dụng nước sạch và 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và sinh hoạt hợp vệ sinh. Cơ bản các khu, cụm công nghiệp, tiểu-thủ công nghiệp có hệ thống xử lý chất thải, nước thải.

 

- 75% số thôn, bản có chi bộ độc lập; Cơ bản các đầu mối cơ sở (thôn, bản, tổ dân phố, trường học, trạm y tế) có đảng viên; 80% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; trong đó, 15% đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; 80 % trở lên số đảng bộ trực thuộc tỉnh đạt trong sạch, vững mạnh; 80% số tổ chức chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở đạt vững mạnh trở lên.

 

4.- Các nhiệm vụ chủ yếu

 

4.1. Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững

 

Đẩy mạnh khai thác lợi thế, tiềm năng trên địa bàn. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh và của từng lĩnh vực, đi đôi với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ngành nghề, sản phẩm có thế mạnh và phù hợp.

 

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, gắn với chế biến và thị trường; hình thành các vùng sản xuất tập trung cho sản phẩm hàng hoá lớn; tăng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Triển khai tích cực và có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản theo hướng tập trung, hiệu quả, hình thành các tổ hợp sản xuất và phân phối. Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ và tiểu-thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm, sản.

 

Tập trung đầu tư khai thác lợi thế vị trí "cầu nối” và điều kiện tự nhiên, nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình thương mại, dịch vụ; đưa khu kinh tế cửa khẩu thành vùng kinh tế động lực và dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, phát huy nội lực; đồng thời, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để khai thác nguồn lực và thị trường bên ngoài. Nâng cao hiệu quả các dự án thu hút đầu tư, góp phần vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

 

Nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước đi đôi với tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển các thành phần kinh tế.

 

Huy động mọi nguồn lực xã hội tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông; ưu tiên đầu tư cho các vùng nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.

 

4.2. Phát triển văn hoá – xã hội đồng bộ, bảo đảm an sinh xã hội và xoá đói, giảm nghèo bền vững

 

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp; đặc biệt, ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao.

 

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, huy động, lồng ghép các nguồn vốn, tranh thủ sự hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư cho các chính sách, dự án giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, tạo bước đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt là lực lượng lao động có trình độ cao. Thực hiện chính sách thu hút cán bộ quản lý giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề về công tác tại tỉnh.

 

4.3. Củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại

 

Củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, thực hiện tốt công tác quân sự địa phương; giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cho phát triển.

 

Mở rộng, phát triển quan hệ đối ngoại với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, địa phương trong và ngoài nước; trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức, địa phương đã có quan hệ truyền thống. 

 

4.4. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả

 

Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng và củng cố các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh.

 

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn với tiếp tục thực hiện sâu rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

 

Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, tổ chức đảng, chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Xây dựng, củng cố, đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng sát hợp với chức năng, nhiệm cụ của từng đơn vị cơ sở. Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của bí thư cấp uỷ. Không ngừng đổi mới cách ra nghị quyết và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển, có cơ cấu hài hoà, hợp lý.

 

Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và hệ thống chính trị. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng trên các lĩnh vực, nhất là việc chấp hành quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện dân chủ trong Đảng, đoàn kết nội bộ, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm…

 

Tổ chức thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong thời kỳ mới. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Nhân rộng điển hình “Dân vận khéo”, phối hợp với phát động thực hiện mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước.

 

Tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy quản lý nhà nước các cấp, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với cán bộ, đảng viên, công chức trên địa bàn.

 

   5.- Giải pháp chủ yếu

 

   5.1.- Chỉ đạo tổ chức cụ thể hoá nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trên các lĩnh vực ngay sau đại hội

 

Kế thừa, tiếp thu 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIII với 29 đề án, nghị quyết chuyên đề, tập trung chỉ đạo lựa chọn những nội dung cần tiếp tục thực hiện để bổ sung, hoàn chỉnh, toàn diện hơn trên các lĩnh vực có tính bứt phá; lựa chọn xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm giai đoạn 2011 – 2015 để lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ngay từ đầu nhiệm kỳ ở các lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và cấp uỷ các cấp; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

 

5.2.- Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực

 

Phát huy cao độ nguồn nội lực, tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực cho đầu tư phát triển. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hằng năm tập trung vào các vùng, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Khai thác tối đa các nguồn vốn trong nhân dân, tổ chức kinh tế và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

 

5.3.- Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng

 

Xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, trong đó xác định rõ cơ cấu ngành nghề, tỷ trọng trong các lĩnh vực và cấp bậc đào tạo.

 

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá về giáo dục, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo.

 

5.4.- Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên

 

Không ngừng củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Tăng cường giáo dục, học tập chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ và tổ chức đảng.

 

Thường xuyên tổng kết, kiểm điểm kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của cấp uỷ các cấp, đề ra giải pháp khắc phục yếu kém. Đổi mới việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết.

 

5.5.- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp

 

Tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực và chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; đặc biệt là cấp cơ sở.

 

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” trong giải quyết công việc.

 

5.6.- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân 

 

Phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất của Đảng bộ, là hạt nhân, là cơ sở vững chắc xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn thể nhân dân. Đổi mới phương thức lãnh đạo, sâu sát cơ sở, phát huy dân chủ trong Đảng, trong nhân dân.

 

Tăng cường khối đoàn kết thống nhất giữa cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở.

 

II- Thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Đại hội XIV đề ra.

 

III- Thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức Đảng và nhân dân trong tỉnh tham gia, đóng góp vào dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) trình Đại hội XI của Đảng. Giao cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV căn cứ vào các ý kiến tham gia, thảo luận tại Đại hội để bổ sung, hoàn chỉnh văn bản, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

 

IV- Thông qua kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015, gồm 55 đồng chí và Đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Lào Cai đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng gồm 15 đại biểu chính thức và 01 đại biểu dự khuyết. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban đảng Trung ương có liên quan để quyết định chuẩn y theo quy định của Trung ương Đảng.

 

V- Giao cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 căn cứ vào Nghị quyết Đại hội, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, xây dựng chương trình và kế hoạch cụ thể, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2011 – 2015, nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống.

 

***

 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nêu cao truyền thống đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tranh thủ lợi thế, nắm bắt thời cơ, khắc phục khó khăn và vượt qua thách thức, khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra, xây dựng Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng./.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập