Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên vận ở Lào Cai
  (TG) - Từ việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác xây dựng Đảng ở cơ sở và trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác chính trị, tư tưởng, công tác dân vận của Đảng bảo đảm thực chất và hiệu quả, từ năm 2012, Tỉnh ủy Lào Cai đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình tuyên vận tại cơ sở. Đây là khâu đột phá, cách làm mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
 
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Giang tặng quà cho cựu chiến binh Hoàng Lương Soan (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022

HIỆU QUẢ NỔI BẬT

Từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án thí điểm mô hình “Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương tiến hành thí điểm tại 35 xã tại các huyện, thị xã và 1 phường thuộc thành phố Lào Cai, trong đó các xã được chọn đều nằm trong nhóm thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Sau 5 năm thực hiện thí điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TU ngày 26/10/2016 quy định tạm thời về công tác tuyên vận. 100% xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình tuyên vận.

Sự ra đời của ban tuyên vận, tổ tuyên vận đã mang lại hiệu quả nổi bật, quan trọng nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng ở cơ sở nhưng không làm tăng biên chế, không gây xáo trộn về tổ chức bộ máy, được vận hành hoạt động thống nhất trên cơ sở sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ cấp cơ sở hợp lý, mô hình tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua đó giúp cho cấp ủy, chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia làm công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở một cách chặt chẽ, nhất quán và thường xuyên. Hoạt động tuyên truyền, vận động bảo đảm thống nhất, có sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt trên cơ sở mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở thực hiện đầy đủ chức năng, không bị trùng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của tổ chức mình trong tuyên truyền, vận độngđến với người dân nhằm góp phần đổi mới nội dung hoạt động của công tác tư tưởng chính trịcông tác vận động quần chúng tại cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời góp phần nâng cao trình độ, năng lực cán bộ cơ sở và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác tuyên truyền, vận động theo hướng tập trung, hiệu quả. Từ đó các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được kịp thời tuyên truyền đến người dân. Đồng thời cấp ủy, chính quyền nắm bắt cơ sở, nắm chắc tình hình Nhân dân để chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời, góp phần ổn định chính trị, xã hội ở cơ sở.

Mặc dù đã được chỉ ra từ nhiều năm trướ,c nhưng qua theo dõi, nắm tình hình tại cơ sở và báo cáo đánh giá của các cơ quan, địa phương, hiện nay, vẫn còn tình trạng một số cơ quan chưa quan tâm sâu sắc đến nội dung tài liệu tuyên vận hằng tháng, số lượng chuyên đề đăng ký tuyên truyền còn ít. Việc tham mưu thực hiện một số nội dung công tác tuyên vận cho cấp ủy còn chưa bảo đảm yêu cầu, chưa thể hiện được tính chủ động, tích cực của cơ quan tham mưu ở cấp ủy đảng cơ sở, dẫn đến một số nơi hiệu quả trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế. Việc triển khai tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên vận cho cán bộ chưa được thường xuyên, nhất là đội ngũ cán bộ mới kiện toàn. Việc thực hiện quy chế phối hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tuyên vận của một số cơ quan tham mưu, phối hợp còn chưa thường xuyên; công tác chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có lúc có nơi chưa nhịp nhàng, ăn khớp. Việc biên soạn tài liệu thông tin thời sự của cấp huyện, cấp xã tại một số địa phương chưa được chú trọng, chưa có sự linh hoạt, chủ động trong chắt lọc, cập nhật thông tin mới. Một số địa phương chưa quan tâm điều chỉnh, bổ sung, thay thế cán bộ tuyên vận kịp thời do đó còn tình trạng năng lực tham mưu, thực hiện nhiệm vụ được phân công của cán bộ tuyên vận còn hạn chế. Còn có báo cáo viên chưa nghiên cứu sâu nội dung chuyên đề, lúng túng trong cách truyền đạt, chưa có sự phân tích, liên hệ một cách đầy đủ với thực tiễn tại địa phương.

SÁNG TẠO NHIỀU NỘI DUNG MỚI

Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác chuyên môn của tổ tuyên vận, năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 60-QĐ/TU ngày 24/11/2020 về công tác tuyên vận với nhiều nội dung mới, quan trọng, khẳng định sự chỉ đạo của Tỉnh ủy cũng như vị trí, vai trò của công tác tuyên vận hiện nay. Công tác tuyên vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên và được thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.

Về tổ chức và hoạt động của ban tuyên vận, nếu như quy định cũ yêu cầu bắt buộc phó trưởng ban chuyên trách là công chức cấp xã thì quy định mới đã mở rộng đối tượng, phù hợp với yêu cầu thực tế. Ngoài những tiêu chuẩn chung, chức danh này có thể được “lựa chọn từ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội” tại xã, phường, thị trấn có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, thời gian, uy tín, tâm huyết. Quy định 60 đã điều chỉnh việc tổ chức hội nghị có thể kết thúc trước ngày 15 hằng tháng, tạo điều kiện thuận lợi để cấp cơ sở chuẩn bị nội dung, các điều kiện được chu đáo, đặc biệt là phù hợp với tiến độ tổ chức hội nghị báo cáo viên từ Trung ương đến cấp huyện.

Quy định 60 đã quy định cụ thể về phương thức hoạt động của tổ tuyên vận với 2 nội dung chủ yếu gồm: 1) Dự hội nghị tuyên vận cấp xã hằng tháng theo triệu tập của đảng ủy xã, phường, thị trấn và tiếp nhận, xử lý thông tin; 2) Xác định mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận. Bên cạnh đó cũng quy định cụ thể việc tổ trưởng tổ tuyên vận thảo luận, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận với các thành viên và báo cáo chi bộ quyết định; phân công nhiệm vụ cho các thành viên và căn cứ tài liệu và văn bản chỉ đạo của cấp trên, tổ tuyên vận nghiên cứu biên tập, bổ sung các nội dung của thôn, tổ dân phố và phân công nhiệm vụ các thành viên thực hiện tuyên truyền, vận động bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, kịp thời, phù hợp từng đối tượng.

Công tác kiểm tra, giám sát được quy định cụ thể, có sự điều chỉnh so với giai đoạn trước. Theo đó thay bằng việc hằng tháng các cơ quan, đơn vị của tỉnh được phân công đi dự, nắm bắt tình hình thực hiện công tác tuyên vận thì hiện nay, căn cứ yêu cầu thực tiễn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy hằng tháng có thể lựa chọn dự và nắm tình hình thực hiện công tác tuyên vận tại một số xã, phường, thị trấn (ưu tiên lựa chọn các đơn vị còn yếu trong thực hiện công tác tuyên vận) để có căn cứ đánh giá kết quả chỉ đạo của cấp huyện đối với công tác tuyên vận. Lào Cai đã thực hiện phân cấp cho thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát nắm tình hình thực hiện công tác tuyên vận đối với những địa bàn còn yếu, mới kiện toàn thành viên hoặc kiểm tra thông qua đồng chí được ban thường vụ phân công phụ trách cấp xã về công tác tuyên vận (gắn trách nhiệm của người đứng đầu); chú trọng kiểm tra, giám sát, khảo sát hoạt động tuyên vận tại thôn, tổ dân phố.

Việc bảo đảm chính sách, nguồn lực thực hiện công tác tuyên vận có một số điểm mới, trong đó quan trọng nhất là quy định cụ thể việc đánh giá phó trưởng ban tuyên vận chuyên trách do trưởng ban tuyên vận và phó trưởng ban tuyên vận (là lãnh đạo UBND) tham mưu, đảng ủy cấp xã trực tiếp đánh giá từng tháng, năm, giai đoạn; đảng ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nghiêm túc việc sử dụng kết quả đánh giá làm căn cứ thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định. Kinh phí thực hiện công tác tuyên vận được lập dự toán hằng năm cùng với kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khác của cơ quan, đơn vị, địa phương và trình cấp có thẩm quyền quyết định. Như vậy, nội dung quy định này góp phần tháo gỡ khó khăn, lúng túng trong việc đánh giá cán bộ, bảo đảm quyền lợi và động viên cán bộ tích cực, tâm huyết thực hiện nhiệm vụ được phân công. Ngoài ra, quy định này còn góp phần bảo đảm việc cấp kinh phí không phải mất nhiều công đoạn, kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Trên quan điểm việc thực hiện công tác tuyên vận là trách nhiệm chính của cấp huyện, Quy định 60 nêu cụ thể một số nhiệm vụ trọng tâm của các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đó là: Giữ vai trò chủ trì, trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn bộ công tác tuyên vận trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy về hiệu quả hoạt động của công tác tuyên vận; chỉ đạo đánh giá nghiêm túc, khách quan kết quả thực hiện công tác tuyên vận hằng tháng, quý, 6 tháng, năm. Nhằm bảo đảm việc phân cấp thực hiện cũng như trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị và yêu cầu thực tiễn, Quy định 60 đã điều chỉnh việc hằng tháng Tỉnh ủy tổ chức đánh giá, chấm điểm việc thực hiện công tác tuyên vận đối với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy bằng việc giao nội dung này cho thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chủ động thực hiện đánh giá, chấm điểm theo quy định.

Với việc kịp thời ban hành quy định mới trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới, Quy định 60 của Tỉnh ủy Lào Cai được coi là công cụ pháp lý quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực hiện công tác tuyên vận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên vận trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Lào Cai tiếp tục chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong việc quán triệt, thực hiện quy định của Tỉnh uỷ về công tác tuyên vận; tập trung những quan điểm chỉ đạo mới, các nội dung cần quan tâm thực hiện gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tình hình thực hiện công tác tuyên vận để có chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn.

Thứ hai, rà soát, bổ sung quy chế phân công thực hiện công tác tuyên vận bảo đảm sát tình hình thực tiễn. Chú trọng phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên vận tại xã, phường, thị trấn, trong đó quan tâm những địa phương còn gặp khó khăn, có thay đổi về nhân sự; có cơ chế đánh giá hiệu quả cán bộ phụ trách địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu những địa phương về thực hiện công tác tuyên vận, nhất là tổ chức hội nghị tuyên vận hằng tháng.

Thứ ba, xác định rõ công tác tuyên vận là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, do đó cấp uỷ đảng các cấp cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, để công tác tuyên vận thực sự là cầu nối, là nơi triển khai, cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cơ sở; gắn kết, nắm bắt, phản ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân với Đảng, kịp thời xử lý các vấn đề mới, vấn đề khó, phát sinh từ cơ sở. Việc triển khai thực hiện công tác tuyên vận bảo đảm theo đúng phân cấp đã được quy định, trong đó đặc biệt vai trò lãnh đạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy các xã, phường, thị trấn.

Thứ tư, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tuyên vận bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, uy tín để tham mưu, thực hiện nhiệm vụ. Coi trọng công tác đánh giá cán bộ tuyên vận bảo đảm khách quan, toàn diện, đồng thời khuyến thích, động viên, tạo động lực cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác tuyên vận.

Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tuyên vận, kiện toàn tổ chức, rà soát, bổ sung quy chế hoạt động ban tuyên vận, tổ tuyên vận đảm bảo phù hợp với thực tế công việc. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ tuyên vận cơ sở nội dung tập trung vào kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền miệng của báo cáo viên; kỹ năng tham mưu xác định mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận và đánh giá việc thực hiện công tác tuyên vận; kỹ năng tổng hợp, sử dụng, khai thác thông tin, tài liệu tuyên vận.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng biên soạn phần thông tin thời sự chính trị bảo đảm có chọn lọc, nhất là những thông tin nổi bật, số liệu có tính tổng hợp, khái quát, phù hợp với đối tượng. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thiết kế và ghi chép “Sổ nhật ký tuyên vận” cho các tổ tuyên vận đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn cơ sở. Đánh giá nghiêm túc việc thực hiện công tác tuyên vận hằng tháng theo quy định.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện thí điểm mô hình tuyên vận tại cơ sở, có thể thấy,  việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện công tác tuyên vận trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp nhằm tạo động lực quan trọng để Lào Cai vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2021 và trong nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

      Hoàng Giang

     Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập