60 năm đi theo tiếng gọi của Đảng

  •  

 

LCĐT - Phát huy tinh thần, ý chí và tình yêu đặc biệt với quê hương thứ hai, các thế hệ người miền xuôi gắn bó với Lào Cai luôn phát huy thành quả của cha anh đi trước, nuôi khát vọng đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng mảnh đất biên cương thêm giàu đẹp.

Đến thôn Nậm Khắp Ngoài, xã Bảo Nhai (Bắc Hà), người được bà con nhắc tên nhiều là Bí thư Chi bộ Lê Đức Nhiệm. Anh Nhiệm sinh ra và lớn lên tại Bảo Nhai, là thế hệ thứ hai của người Hải Phòng lên xây dựng vùng kinh tế mới. Được bố mẹ kể về những ngày đầu gian khó, vất vả trong việc khai khẩn đất hoang để trồng rau, cấy lúa, nên khu đất cha ông để lại anh quý như “tấc vàng”. Anh luôn tâm niệm “phải làm cho đất nở hoa” giúp tăng thu nhập, không chỉ cho gia đình mình mà còn cả bà con trong thôn. Nậm Khắp Ngoài là miền đồng rừng, nên cùng với trồng rau vụ đông, cây ăn quả, chăn nuôi ở khu vực thung lũng dưới thấp, trên khu đồi cao rất phù hợp với phát triển rừng, phát triển kinh tế bền vững.

Nghĩ vậy nên anh Nhiệm họp bàn với các đảng viên trong chi bộ, xác định các cây trồng chủ lực, mũi nhọn của thôn, đồng thời đưa vào các chỉ tiêu nhiệm kỳ trong việc phát triển kinh tế của thôn. Với cương vị Bí thư Chi bộ, anh luôn tiên phong “đi trước, làm trước” trong lựa chọn, đưa vào canh tác thử nghiệm các cây trồng, vật nuôi mới, để người dân trong thôn làm theo.

Anh Nhiệm chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng đất đồi rừng của thôn lớn, phù hợp với cây quế, tôi đã tìm hiểu kỹ thuật và tiên phong đưa cây quế về trồng. Sau đó tôi vận động các đảng viên trong chi bộ, rồi đến họ hàng, người thân thực hiện. Sau khoảng 5 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch nhỏ lẻ. Thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô và các loại cây khác nên bà con tin tưởng học theo. Đến nay, trên khắp các nương đồi Nậm Khắp Ngoài đã phủ kín một màu xanh của quế. Gần 50 ha quế bước vào thời kỳ thu hoạch, đem lại nguồn lợi lớn cho bà con, khi mỗi ha quế cho nguồn thu 400 - 600 triệu đồng…

Về thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) hôm nay, hình ảnh đẹp mắt đầu tiên nhìn thấy không chỉ là những tuyến đường rộng rãi, mà nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang và trang bị đầy đủ nội thất, thiết bị; vườn đồi được cải tạo, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao… Phong trào xây dựng thôn kiểu mẫu còn làm thay đổi cả nếp nghĩ, cách làm của người dân. Có được thành công ấy, bà con vẫn nhắc đến vai trò “đầu tàu” của đảng viên Trần Thị Tâm, Phó Trưởng Ban công tác mặt trận thôn (quê gốc Hà Nam). Chị Tâm đã khơi dậy được sức mạnh tổng lực của người dân trong thôn, vận dụng nhiều cách làm sáng tạo để “thay áo mới” cho quê hương. Đơn cử như việc triển khai mô hình 10 hộ liền kề xanh - sạch - đẹp, tạo điểm nhấn trong khu dân cư do Hội Phụ nữ xã phát động. Không chỉ tuyên truyền, vận động 10 hộ liền kề, chị còn vận động cả 15 hộ liền kề trong thôn tham gia mô hình. Triển khai mô hình, các hộ giúp nhau cải tạo vườn, chỉnh trang nhà cửa theo hình thức cuốn chiếu, xong nhà này chuyển sang nhà khác. Chị Tâm còn gắn kết các hội viên phụ nữ bằng việc thành lập đội văn nghệ thôn, tạo đời sống tinh thần sôi nổi cho bà con.

Ông Bàn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang cho biết: Trong bất cứ lĩnh vực, hoạt động nào, chúng tôi thấy các đảng viên luôn là hạt nhân, là nòng cốt trong mọi phong trào, nhất là đảng viên người miền xuôi lên lập nghiệp.

Nhìn lại lịch sử xây dựng và kiến thiết Lào Cai trước và sau khi tái lập tỉnh đến nay, đóng góp của những cán bộ, đảng viên từ quê hương miền xuôi lên, khó có thể thống kê đầy đủ. Họ không chỉ là những cán bộ, đảng viên luôn đi đầu trong các phong trào ở nông thôn, mà còn công tác ở các sở, ngành, đơn vị của mảnh đất biên cương. Họ là những thầy, cô giáo, những y sỹ, bác sỹ, những chiến sĩ công an, bộ đội đang ngày đêm cống hiến để xây dựng Lào Cai thêm giàu đẹp.

Tôi nhớ có một bài báo của tỉnh Lào Cai từng viết: “Lịch sử đương đại Lào Cai được viết lên, một phần không nhỏ bởi sự đóng góp của những người con miền xuôi đi xây dựng kinh tế mới”. Và trong đó, công đầu phải kể về những cán bộ, đảng viên, những người luôn “đi trước, làm trước”.

Thời điểm này, thôn Múc, xã Thái Niên (Bảo Thắng) đang vào mùa bưởi chín, vườn bưởi nào cũng phủ một màu vàng tươi. Theo những cụ cao niên trong thôn, quả bưởi “bén duyên” với vùng đất ven sông Hồng cách đây gần 50 năm. Ngày ấy, cây bưởi “theo” những người con Hưng Yên lên khai hoang tại miền đất mới. Người và cây cứ cần mẫn chắt chiu, cần mẫn vươn lên để phát triển thành vùng bưởi ngon nức tiếng gần, xa như bây giờ. Ông Nguyễn Văn Tiến, người quê gốc Hưng Yên, chọn Múc là nơi an cư. Ông mày mò đủ lối để phát triển kinh tế gia đình, nhưng nhìn lại thì chỉ có bưởi là cây trồng hiệu quả nhất. Ông Tiến kể: Người có công mang cây bưởi đến với đất này là bà Đặng Thị Thiết. Đến khai hoang ở miền quê mới, nhận thấy đất bãi rộng lớn, phù hợp với trồng cây ăn quả, bà Thiết đã về quê Hưng Yên mang giống bưởi lên ươm trồng. Không ngờ cây “bén duyên” nhanh chóng, cho quả ngọt lành, bà Thiết nhân giống qua các năm. Nhiều gia đình trong thôn đến xin giống. Ban đầu chỉ nghĩ trồng làm cây ăn quả cho gia đình, nhưng không ngờ sau này trở thành hàng hóa và được xây dựng thương hiệu “Bưởi Múc”.

Cầm quả bưởi có dán tem mác thương hiệu và mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chị Lưu Nguyệt Anh, Bí thư Chi bộ thôn Múc vui lắm. Là thế hệ thứ hai của những người con Hưng Yên lên đây “mở đất”, chị Nguyệt Anh luôn tự hào với truyền thống của dòng họ, quê hương và luôn tự nhủ phải góp sức mình để quê hương phát triển. Nhận thấy lợi thế của thôn khi có trong tay giống bưởi quý, chị và các đảng viên trong chi bộ đã vận động bà con mở rộng diện tích trồng. Cả thôn có 286 hộ, hộ nào cũng trồng bưởi. Thêm vào đó, để nâng tầm vị trí cho đặc sản quê hương, chị đã đi học hỏi kinh nghiệm, tham vấn chuyên gia để xây dựng thương hiệu.

Đến nay, thương hiệu bưởi Múc không chỉ nổi tiếng khắp tỉnh, mà còn vươn ra thị trường rộng lớn nhiều tỉnh, thành phía Bắc, mang vị ngọt của Lào Cai đi xa và giúp người dân trong thôn nâng cao thu nhập trên 1 ha đất canh tác. Thôn Múc hôm nay là những tuyến đường bê tông được đổ đến tận cổng nhà, chân ruộng, nhà cửa được xây dựng kiên cố giữa những vườn cây ăn trái xanh mát, trù phú.

Cũng là một trong những miền quê “đáng sống”, thôn Nậm Hẻn, thôn kiểu mẫu đầu tiên của xã Gia Phú (Bảo Thắng), gây ấn tượng với chúng tôi bởi không gian thanh bình, yên ả. Những ngôi nhà đẹp được bao bọc bởi khuôn viên cây xanh, rừng cây mát mẻ. Những con đường bê tông phẳng lì, ven đường phủ đầy sắc hoa. Trong niềm vui mừng quê hương đổi mới, ông Vũ Quốc Tuấn, Bí thư Chi bộ Nậm Hẻn nhớ lại: Vùng đất này ngày trước hoang sơ lắm. Tuy nhiên, người Nam Định, Hải Phòng lên đây lập nghiệp không chỉ khiến “sỏi đá thành cơm” qua cơn khó khăn, mà còn xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đến nay, 98% hộ trong thôn đã có nhà xây kiên cố, không còn nhà tạm, thôn không còn hộ nghèo. Kinh tế phát triển, người dân Nậm Hẻn đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, Nậm Hẻn “về đích”, trở thành thôn kiểu mẫu đầu tiên của xã. Xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp đã trở thành nếp sống của các hộ trong thôn. Hiện 100% đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông, hai bên đường trồng hoa, có điện chiếu sáng. Không chỉ xây dựng môi trường, kiến tạo cảnh quan làng quê xanh - sạch - đẹp, người dân Nậm Hẻn còn chung sức xây dựng đời sống văn hóa ngày càng văn minh, hiện đại với các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được thành lập, tạo nên sân chơi bổ ích và gắn kết người dân.

Không chỉ có Nậm Dù, Nậm Hẻn, tỉnh Lào Cai còn có hàng trăm làng quê phát tiển như thế. Nhưng điều đặc biệt, đến những miền quê có người dân gốc từ các miền xuôi lên sinh sống, ta càng cảm nhận được sự khát khao phát triển. Tiếp nối truyền thống, thành quả dựng xây của cha anh, các vùng quê ấy luôn đoàn kết, gắn bó trong lao động, sản xuất, công tác trên mảnh đất biên cương Lào Cai. Nhiều địa phương trở thành những “lá cờ đầu” của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác…         

Bài cuối: Như bản hùng ca

Duong Thang Minh Quy Toan (Nguon LCĐT)
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập