90 NĂM TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG
(TG) - Ban tuyên vận và Tổ tuyên vận không chỉ giúp cấp ủy, chi bộ trong công tác lãnh đạo mà còn điều hành toàn bộ công tác tư tưởng, dân vận của Đảng ở cơ sở. Bảo đảm kết hợp chặt chẽ các khâu lý luận, tuyên truyền và cổ động, gắn công tác tư tưởng với công tác dân vận, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (ngày 6/1/2013).
TỪ “TUYÊN GIÁO” ĐẾN “TUYÊN VẬN”

Tôi “có duyên”, được Tỉnh ủy quyết định điều động làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đúng ngày 1/8 - Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.  Tháng 10/2010, tôi có chuyến công tác dài ngày đầu tiên kéo dài hơn một tháng ở cơ sở, qua 71 thôn, bản và tổ dân phố của 35 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố trong tỉnh. Đi thôn trước, làm việc với xã sau và cuối cùng là trao đổi với thường trực cấp ủy huyện.

Còn nhớ, trong chưa đầy một giờ ngồi trên thuyền ngược sông Chảy đến một thôn của xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tôi và anh Phước, Phó Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tuyên giáo xã đã có cuộc “tập huấn” cho nhau rất bổ ích. Cứ người này hỏi, người kia đáp và ngược lại. Trong đó nội dung “đắt” nhất là câu hỏi: Tuyên giáo cấp xã hiện có bao nhiêu “quân” và quản lý mấy loại “viên”? “Đáp án” của tôi là: Tuyên giáo cấp xã rất đông “quân” và có ít nhất 3 loại “viên” phải quản lý trực tiếp, thường xuyên (quản lý về lực lượng, nội phương, phương pháp và kết quả hoạt động). Theo đó, giảng viên dạy chính trị có thể cấp xã không có, nhưng báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên của cấp ủy dứt khoát phải có. Như vậy, “quân số” làm tuyên giáo và ba loại “viên” của cấp ủy xã là khá đông (xét trên phương diện tuyên truyền miệng) chứ không phải chỉ “tính” mấy đồng chí trong Ban Tuyên giáo...

Trưởng ban Tuyên giáo xã Bảo Nhai giãi bày: “Em được đi tập huấn nhiều và cũng được coi là “có nghề”, nhưng vẫn chưa thấy hết công việc phải làm của một Trưởng ban Tuyên giáo xã”. Nghe vậy, tôi nghĩ ngay tới “việc cần làm ngay” trong thời gian tới: tỉnh phải tập hợp, rà soát, “gọi” hết những cán bộ tuyên giáo cấp xã về để “xếp hàng” lại cho “ngay ngắn” hơn; “xốc lại” việc giao nhiệm vụ và đánh giá công việc của đội ngũ này một cách thường xuyên, liên tục… Ngoài “đội quân” đông đảo trực tiếp làm tuyên giáo cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn phải quan tâm tới các loại “viên” về pháp luật, dân số… bởi đây cũng là một lực lượng quan trọng làm công tác tư tưởng.

Trên đường đến xã biên giới Dìn Chin, nơi “đá lớn nhanh hơn người”, thuộc huyện Mường Khương - một trong những huyện khó khăn nhất cả nước, tôi và Bí thư Huyện ủy Giàng Mạnh Nhà ngồi chung xe. Khi tôi nêu vấn đề tại sao đã có nhiều đợt vận động làm chuồng chăn nuôi xa nhà, không thả rông gia súc… nhưng nhiều thôn bản vùng cao, ý thức vệ sinh môi trường vẫn “thấp” quá?, Bí thư huyện thẳng thắn trả lời: Em là người Mông, sinh ra lớn lên ở đây, rất hiểu điều này, nhiều bà con dân tộc thiểu số như Mông, Nùng, Phù Lá... vẫn còn thói quen lâu đời, khó sửa là… vừa ở bẩn, vừa lười. Không chỉ gia súc thả rông mà người cũng đi “vệ sinh rông”. Đồng bào mình thật, nhưng nhiều lúc thấy “ớn” cái tư tưởng lạc hậu hơn cả kẻ địch. Nhìn thấy rất rõ “lô cốt” mà không thể “bắn” ngay được. Đã có nhiều cuộc vận động rồi, nhưng đâu vẫn vào đấy. “Cuộc chiến” với “kẻ thù lạc hậu” này chắc còn phải “dài dài”!

Cũng tại Dìn Chin, sau hơn một giờ trao đổi với Thượng úy Thanh - bộ đội Biên phòng tăng cường về làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Trưởng ban Tuyên giáo xã, tôi hỏi: Anh là bộ đội chính quy, được đào tạo bài bản, sao việc của Trưởng ban Tuyên giáo làm được ít thế? Thanh “bật” lại: Em bao nhiêu việc của Phó Bí thư Thường trực, rồi kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng Khối Dân vận, lại còn công tác Đảng vụ nữa. Vì không có cán bộ văn phòng như bên UBND xã nên công việc của văn phòng Đảng ủy cũng do em “gánh” luôn. Cho nên, có cố gắng hết sức cũng chỉ dành được khoảng 20% thời gian cho công tác tuyên giáo...

Không riêng ở Dìn Chin, mà nhiều xã vùng cao ở Lào Cai cũng trong “tình trạng chung” như “giãi bày” của Thượng úy Thanh. Ban Tuyên giáo và Khối Dân vận ở xã tuy được hình thành nhưng thành phần tham gia hai tổ chức này phần lớn là trùng nhau, hoạt động không thường xuyên, có biểu hiện hình thức, bỏ sót nhiều việc, tuyên truyền còn chồng lấn, thậm chí không ít nơi thiếu thống nhất trong tuyên truyền vận động... Ý tưởng “tuyên vận” xuất hiện trong tôi với mong muốn có sự gắn kết giữa tuyên giáo và dân vận của Đảng ở cơ sở, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hành động. Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Mạnh Nhà, Bí thư Huyện ủy Sa Pa Hầu A Lềnh và cán bộ cấp ủy ở những địa phương “đặc thù” của tỉnh đều đồng tình, ủng hộ cao với mô hình tuyên vận mà tôi nêu ra.

Kết thúc đợt khảo sát, khi nghe tôi trình bày về dự định mô hình tuyên vận, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hoàng Thị Cháng rất tán thành. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Vạn nói: Nghe đã thấy “thắng” rồi, tham mưu xây dựng đề án đi.

Chúng tôi mất cả năm 2011 để xây dựng đề án. Với thực tiễn còn ít ỏi (vì chưa có tiền lệ) nên khi “vẽ mô hình” lý thuyết gặp không ít khó khăn. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy, sau nhiều lần tổ chức hội thảo, tổng hợp ý kiến, Đề án “Thí điểm mô hình “Ban Tuyên vận xã, phường, thị trấn” và “Tổ Tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” trên địa bàn tỉnh Lào Cai” cũng được “mẹ tròn con vuông”. 

Trên cơ sở Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương thực hiện biệt phái một công chức đang hoạt động bên chính quyền sang làm chuyên trách công tác tuyên vận thuộc đảng ủy cấp xã. Năm 2012 tiến hành thí điểm ở 35 xã tại các huyện và 1 phường thuộc thành phố Lào Cai (những xã được chọn đều nằm trong nhóm đạt mục tiêu bước đầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015). Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm qua một năm làm điểm, năm 2013, Tỉnh tiếp tục chọn 40 xã khó khăn nhất (vùng cao, kinh tế - xã hội chậm phát triển, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự…) để triển khai. Năm 2014, trên cơ sở các xã tự nguyện, các huyện và thành phố đăng ký, toàn tỉnh có thêm 85 đơn vị thực hiện. Năm 2015 thêm hai thị trấn. Năm 2016, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) là đơn vị cuối cùng của tỉnh có mô hình tuyên vận.

Sau khi tiến hành tổng kết năm năm thực hiện thí điểm, tất cả các xã, phường, thị trấn đều đề nghị tiếp tục duy trì mô hình tuyên vận. Trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm, cuối năm 2016, Tỉnh ủy ban hành Quy định tạm thời về công tác tuyên vận trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đưa công tác tuyên vận trở thành thường xuyên, lâu dài trong toàn tỉnh.

PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP TRONG CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG VÀ DÂN VẬN CỦA ĐẢNG Ở CƠ SỞ

Mô hình tuyên vận đã sắp xếp, tổ chức lại về cơ cấu, số lượng, thành phần tham gia thực hiện công tác tư tưởng và dân vận của Đảng ở cơ sở vào một đầu mối thống nhất. Theo đó, cấp xã thành lập Ban tuyên vận thay thế Ban Tuyên giáo, Khối Dân vận trước đây, có từ chín thành viên trở lên. Ban tuyên vận cấp xã do Bí thư hoặc Phó bí thư đảng ủy làm Trưởng ban; một Phó trưởng ban chuyên trách được bố trí từ công chức chính quyền thuộc chức danh có từ hai biên chế trở lên, có đủ tiêu chuẩn (đảng viên, trình độ đào tạo, năng lực nói và viết...); một Phó trưởng ban là lãnh đạo UBND xã; người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là thành viên.

Tại thôn, tổ dân phố thành lập Tổ tuyên vận có ba người (chi bộ có nhiều tổ dân phố có thể đến năm người), Tổ trưởng là Bí thư hoặc Phó bí thư chi bộ, thành viên gồm thôn trưởng, trưởng Ban công tác Mặt trận hoặc đại diện đoàn thể chính trị - xã hội, hoặc người có uy tín.

Ban tuyên vận và Tổ tuyên vận không chỉ giúp cấp ủy, chi bộ trong công tác lãnh đạo mà còn điều hành toàn bộ công tác tư tưởng, dân vận của Đảng ở cơ sở. Bảo đảm kết hợp chặt chẽ các khâu lý luận, tuyên truyền và cổ động, gắn công tác tư tưởng với công tác dân vận, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Quan trọng nhất, nhờ Ban tuyên vận và Tổ tuyên vận mà cấp ủy cấp xã và chi bộ ở thôn, tổ dân phố điều hành được tất cả các lực lượng trong hệ thống, nhất là các lực lượng tuyên truyền miệng trên mọi lĩnh vực, của tất cả các tổ chức theo quy chế chặt chẽ, thống nhất và thường xuyên, liên tục (mà không “sợ” bị coi là làm thay chính quyền hay “lấn sân” công việc của các tổ chức chính trị khác). Chính vì vậy đã khắc phục nhanh được tình trạng “cắt khúc” các trạng thái công tác tư tưởng, giữa công tác tư tưởng với công tác dân vận, sự thiếu thống nhất trong quá trình tuyên truyền vận động nhân dân.

Nhiều địa phương nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của Phó trưởng Ban tuyên vận chuyên trách, nên thực hiện lựa chọn rất kỹ cán bộ vào chức danh này, từ đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đến năng lực thực tiễn (nhất là khả năng nói và viết)...

Mùa Xuân năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung ương đến thăm huyện Mường Khương, tại xã Bản Lầu, sau nghe Bí thư Huyện ủy báo cáo, Tổng Bí thư nói: Hôm qua, khi đến tỉnh, các đồng chí cho biết địa phương đang thực hiện thí điểm mô hình tuyên vận, tưởng nói đùa. Hôm nay, trong báo cáo của huyện thấy có bốn xã thành lập Ban tuyên vận và mấy chục Tổ tuyên vận nữa. Cán bộ chuyên trách tuyên vận báo cáo cụ thể xem nào… Châu Văn Thắng, nguyên Phó Ban chuyên trách tuyên vận vừa được điều chuyển sang làm chủ tịch UBND xã lên báo cáo Tổng Bí thư. Thực ra, đó là cuộc đối thoại ngắn, Tổng Bí thư chủ động đặt các câu hỏi, Châu Văn Thắng trả lời rất “gãy góc”. Sau đối thoại, Tổng Bí thư “tổng kết”: Như vậy về bộ máy, từ hai thành một, không tăng biên chế mà vẫn có một cán bộ chuyên trách tuyên vận, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không bị mất đi mà lại được phát huy tốt hơn. Tại sao không tổng kết để nhân rộng ra?

Trong những “việc điển hình” kể từ khi có mô hình tuyên vận, phải kể đến việc chuẩn hóa hội nghị tuyên vận ở xã (phường, thị trấn), bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, đánh giá công tác tuyên vận hằng tháng. Hội nghị diễn ra 1/2 ngày, trước ngày 10 hằng tháng; thường được tiến hành sau hội nghị báo cáo viên cấp huyện và sau khi có nghị quyết của Đảng ủy xã về nhiệm vụ trong tháng. Các hội nghị tuyên vận hằng tháng ở xã phải bảo đảm 1/2 thời gian cho báo cáo viên trình bày các chuyên đề, trong đó có một nửa thời lượng tuyên truyền pháp luật, thay cho việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật hàng quý trước đây. Nửa thời gian còn lại dành cho kiểm điểm, đánh giá công tác tuyên vận của chi bộ thôn; phân công nhiệm vụ cho từng Tổ và các thành viên tháng sau. Thông qua hội nghị, xã và huyện, tỉnh nắm sát tình hình cơ sở, nhất là dư luận xã hội và những vấn đề bất thường xuất hiện trong nhân dân.

Còn nhớ, tháng 3/2014, tôi chọn dự đột xuất hội nghị tuyên vận định kỳ tháng của xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà), thấy các tổ trưởng tuyên vận phát biểu rất sôi nổi, tôi “thử”: Nậm Đét vốn là xã có truyền thống cách mạng, nhờ luôn làm tốt công tuyên truyền vận động mà đồng bào ở đây có tới trên nghìn ha quế, cần gì đến tuyên vận? Nghe vậy, Sùng Phà Sủi, nữ Bí thư Chi bộ người dân tộc Phù Lá, Tổ trưởng Tổ tuyên vận thôn Tống Thượng, từ cuối hội trường đứng dậy nói: Từ ngày có tuyên vận, xã làm cái gì thôn đều biết, thôn có việc gì xã nó cũng biết hết, mọi việc khó cũng có cách giải quyết. Đầu chúng tôi “sáng” ra vì có nhiều thông tin từ hội nghị tuyên vận, được bàn về nhiều thứ mà thôn và người dân đang cần. Vì được giao nhiệm vụ tuyên vận cụ thể, nên mới hôm nọ, Tổ tuyên vận đã phối hợp yêu cầu thầy cúng ra khỏi địa bàn ngay trong đêm, ngăn được vụ tảo hôn trong thôn...

Trong quá trình triển khai xây dựng Nhà văn hóa và làm đường bê tông ở thôn Dì Thàng 1, xã Na Hối (huyện Bắc Hà), Bí thư Chi bộ - Tổ trưởng Tổ tuyên vận Sùng Thín Phà cùng với thành viên trong Tổ đã phối hợp rất hiệu quả với các đoàn thể và người có uy tín để tuyên truyền vận động nhân dân. Nhờ đó mà tất cả 76 hộ trong thôn (chủ yếu là người Mông, nhiều người theo đạo Tin lành) đã vui vẻ hiến đất, đóng góp kinh phí, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Kinh nghiệm tuyên vận của Sùng Thín Phà là: Tổ tuyên vận thống nhất nội dung, gạch thành từng ý chính để nói theo ý hiểu của mình; xác định rõ đối tượng, thời gian và cách nói để “lọt cái tai” bà con; tối kỵ việc đọc tài liệu trước dân; xuống với dân không được cắp cặp... Phải có hội ý, trao đổi với các chi hội đoàn thể, phân công “đúng người đúng việc” và “khoán” thời gian hoàn thành trong mỗi vấn đề cần tuyên tuyền vận động. Thành viên Tổ tuyên vận phải thường xuyên kiểm tra, trực tiếp tuyên truyền vận động khi cần thiết; lấy động viên, khích lệ là chính; khích lệ các chi hội đoàn thể và cá nhân trong thực hiện công việc, tốt nhất là không nên phê bình họ trước cuộc họp thì mới đem lại hiệu quả… Tất cả các nội dung đều phải được ghi chép cụ thể trong sổ, cuối năm “cứ sổ ấy” mà báo cáo, “điểm danh” cụ thể từng việc, từng người, từng tổ chức đã “làm được gì” vào tuyên vận.

Cuốn sổ của Sùng Thín Phà thực sự là một cuốn Nhật ký hoạt động tuyên vận ở thôn với nhiều nội dung ghi chi tiết cả giờ thực hiện trong ngày. Quả là một kinh nghiệm hay! Từ năm 2017, Tỉnh chính thức đưa nội dung, hình thức, cách thức xây dựng, sử dụng và quản lý “Sổ Nhật ký tuyên vận” vào Quy định của Tỉnh ủy để thống nhất thực hiện cho các Tổ tuyên vận.

Hoạt động thường xuyên, nền nếp của Ban tuyên vận, Tổ tuyên vận đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân. Rõ nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị ở tất cả huyện, thành phố trong tỉnh. Với khẩu hiệu “làm nhà, làm bếp xếp sau làm đường”, nhân dân tích cực hiến đất, góp công và tiền, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã làm trên 5.000 km đường giao thông theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm năm trở lại đây Thành phố Lào Cai đã xã hội hóa được 50 tỷ đồng để chỉnh trang và phát triển đô thị, trong đó nhân dân đóng góp 77%. Nhiều mô hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là vùng biên giới, khu đô thị có tính điển hình do nhân dân tích cực  tham gia đạt hiệu quả tích cực...

Tại Hội nghị Tổng kết công tác tuyên vận năm 2013, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Pa Phan Đình Thống nhận định: Làm và sử dụng nhà vệ sinh của các hộ gia đình ở vùng cao từng khó như “bắc thang lên trời”, nhưng nhờ có hoạt động tuyên vận mà những thói quen, hủ tục “thâm căn cố đế” trong phần lớn đồng bào đã thay đổi.

Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban tuyên vận xã Hầu Thào (huyện Sa Pa) Lý A Dế cho biết, với khẩu hiệu “Có nước mới làm nhà vệ sinh, làm rồi thì phải cam kết sử dụng, cán bộ và đảng viên phải gương mẫu làm trước”, năm 2013, Ban Tuyên vận xã Hầu Thào đã quyết liệt, kiên trì vận động nhân dân làm được gần 100 nhà vệ sinh, một kết quả chưa từng có từ trước đến nay.

Nhờ có mô hình tuyên vận, đội ngũ cán bộ cơ sở cấp xã, thôn đã có sự trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt, đặc biệt là khả năng thuyết trình vấn đề, tính linh hoạt, sáng tạo và phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân. Công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá được thực hiện thường xuyên, “bài bản”, phù hợp thực tiễn...  Để đạt kết quả về tuyên vận, cấp ủy các cấp, nhất là cấp xã và chi bộ ở thôn bắt buộc phải ra được nghị quyết lãnh đạo hằng tháng một cách cụ thể, khả thi. Bởi, chỉ có như vậy mới đề ra được mục tiêu tuyên vận sát đúng để triển khai hiệu quả; mới có sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các khâu, trạng thái của công tác tư tưởng và công tác dân vận...

Trong năm năm thực hiện thí điểm mô hình tuyên vận, ngoài việc ban hành hàng nghìn văn bản chỉ đạo, hầu hết các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 đều tham dự các cuộc hội nghị tuyên vận định kỳ hằng tháng ở  xã. Các ngành cấp tỉnh và thường trực, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã thực hiện hàng ngàn cuộc “xuống với dân” “lắng nghe dân” từ hội nghị tuyên vận...

Năm 2012, khi chủ trì duyệt Đề án, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Vạn nói: Chúng ta bỏ bớt vài công trình xây dựng cơ bản, dành kinh phí xây cây cầu “nối ý Đảng với lòng Dân”. Khi đặt bút ký Quy định tạm thời về công tác tuyên vận ngày 26/10/2016, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh nói: Đây là cái cách mà Lào Cai “tập trung cho cơ sở”, thay vì “hướng về cơ sở” mà chúng ta vẫn thường nói trước đây.

Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cố nhà báo Hữu Thọ từng nhận định trong nhiều bài viết: Cứ cái gì được tổng kết từ thực tiễn, có giá trị dẫn dắt thực tiễn thì đó là lý luận. Theo cách “định nghĩa” đó thì Lào Cai có lý luận tuyên vận - Lý luận về phương pháp thực hành công tác tư tưởng và dân vận của Đảng ở cơ sở. Điều đó phù hợp với điều kiện của Lào Cai, góp phần đưa Lào Cai đổi mới, hội nhập và phát triển hơn nữa./.

Cao Đức Hải Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập