Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Khu vực tham quan của bảo tàng bao gồm tầng trệt và tầng nổi; tầng nổi là Nhà trưng bày, đang trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh cùng với những cảnh quan, cảnh tượng lịch sử, nhằm tái hiện phần nào về Chiến thắng Điện Biên năm xưa. Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng được phóng viên của Báo Lào Cai ghi lại trong quá trình tác nghiệp tại Điện Biên.
bảo tàng.jpg
Công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được tác giả Nguyễn Tiến Thuận thiết kế theo hình chiếc mũ nan lưới phủ dù ngụy trang của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. (Ảnh: Báo Điện Biên Phủ).
a (2).jpg
Không gian đầu tiên, cũng là không gian long trọng nhất, mô phỏng ngôi lán làm việc của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Tỉn Keo, Định Hóa, Thái Nguyên. Tại ngôi lán này đã diễn ra nhiều cuộc họp mang tính chất quyết định cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, nghe Tổng quân ủy báo cáo quyết tâm và kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ.
a (1).jpg
Trong lán là cụm tượng thể hiện cuộc họp quan trọng này, gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Trường Chinh (bên trái Bác Hồ), đồng chí Phạm Văn Đồng (bên phải Bác Hồ). Tại cuộc họp này đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, đồng thời thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Bí thư kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Đầu tháng 1/1954, trước khi lên đường tham gia chiến dịch, Đại tướng có đến xin chỉ thị của Bác Hồ. Tại cuộc gặp này, Bác Hồ đã ân cần căn dặn Đại tướng: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
 
a3.jpg
Với tinh thần cả nước ra trận, những đoàn xe đạp thồ từ Thanh Hóa lên, đoàn ngựa thồ từ Lai Châu đến, những chiếc xe quệt, những đoàn ô tô nối đuôi nhau băng qua đèo cao, vực thẳm; chị em dân công với quang gánh kĩu kịt trên vai, những đôi bung, chiếc gùi vượt qua bao bãi mìn, hố bom, tất cả đã làm nên một bức tranh sống động thật khẩn trương và nhộn nhịp.
 
a7.jpg
Một trong những phương tiện thô sơ nhất mà ta đã sử dụng để vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch đó chính là xe cút kít. Trong chiến dịch, ta đã huy động được 7.000 xe cút kít, riêng tỉnh Thanh Hóa huy động được 70 chiếc xe cút kít, mỗi xe vận chuyển trung bình từ 80 đến 100 kg. Đây là chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm- dân công tỉnh Thanh Hóa, ông đã cùng với chiếc xe này vượt qua bao khó khăn, gian khổ trên đoạn đường dài 20 km từ Sánh Lược đi lên Phố Cống tới trạm Luồng. Ông Trịnh Đình Bầm đã nâng tải trọng xe của mình lên từ 200 đến 280 kg trên 1 chuyến. Chỉ trong vòng 4 tháng, ông đã vận chuyển được 12.000 kg lương thực phục vụ chiến dịch. Điều đặc biệt ở chiếc xe này là 1 trong 3 mảnh gỗ của phần bánh xe có sơn son thiếp vàng, đó chính là mảnh gỗ được lấy từ bàn thờ cúng tổ tiên của gia đình.
a4.jpg
Một trong những phương tiện sử dụng chủ yếu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là những chiếc xe đạp thồ. Ta đã huy động được 20.991 chiếc xe, trung bình mỗi chiếc có thể vận chuyển được từ 100 kg đến 150 kg lương thực. Trong đó, chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng- dân công Phú Thọ, rất đặc biệt. Ông Thắng đã nâng tải trọng chiếc xe lên đến 337 kg trong một chuyến. Trong quá trình vận chuyển lương thực ra mặt trận, địa hình di chuyển rất khó khăn, dân công của ta đã cải tiến để chiếc xe ngày càng hoàn chỉnh hơn với những chiếc "tay ngai", "tay phanh", "lốp kép"... Đây chính là những chiếc xe đạp hiệu PeuGeot của Pháp- chiến lợi phẩm ta thu được từ những chiến dịch ở đồng bằng. Sau này, khi Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc, chính NaVarre đã phải thốt lên rằng: "Một trong những lý do khiến ông ta thất bại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lại chính bởi những chiếc xe đạp thồ đơn giản thô sơ được điều khiển bởi những người dân công Việt Minh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngủ ngay trên những mảnh ni lông dải ngay ở bìa rừng nhưng lại có khả năng điều khiển những chiếc xe đạp có trọng tải hàng trăm kg, đã đánh bại các loại vũ khí tối tân hiện đại như xe tăng và pháo lớn của quân đội Pháp".
 
a9.jpg
Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tổng giao chiến, trận công kiên lớn nhất với những nỗ lực cao nhất về quân sự của cả ta và địch, đánh dài ngày. Để đáp ứng nhu cầu vật chất to lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất thiết ta phải mở đường để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược vào mặt trận.
a8.jpg
Trong lịch sử chống Pháp của dân tộc ta, chưa bao giờ con đường ra trận lại đông đảo, nô nức, nhộn nhịp như lần này, những tiếng choòng, tiếng búa, tiếng cuốc xẻng, tiếng mìn vang lên không lúc nào ngớt. Trong thời gian ngắn, ta đã sửa hàng trăm km đường cũ từ Hòa Bình lên Điện Biên và mở mới 63 km đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ.
 
a5.jpg
Bất ngờ lớn nhất đối với Pháp và cũng là thắng lợi to lớn của quân và dân ta, đó chính là việc mở đường kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ. Để thực hiện phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” ngày 15/1/1954, hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã rải đều trên khắp các sườn đồi, sườn núi, với nhiệm vụ vừa cắm mốc vừa làm hầm trú ẩn, hầm công sự cho pháo.
a6.jpg
Kéo pháo vào đã khó khăn, gian khổ, kéo pháo ra còn gian khổ gấp bội phần; trên đường kéo pháo ra tại dốc chuối, đêm tối, mưa trơn, khẩu pháo bị đứt dây tời lao nhanh xuống dốc. Trước hoàn cảnh nguy hiểm đó, anh Tô Vĩnh Diện đã quên mình cứu pháo và anh dũng hy sinh, để lại bao tiếc thương cho đồng đội.
IMG_7658.JPG
Khi tiến hành xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ Pháp đã xây dựng các cứ điểm kiên cố và vững chắc, mỗi cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng với chiến hào ngang - dọc, có khả năng phòng ngự độc lập. Hàng rào dây thép gai bao quanh dày từ 50 m đến 200 m, kết hợp với bãi mìn dày đặc và hàng rào điện sát mặt đất, có lực lượng cơ động và hỏa lực riêng.
 
3.jpg
Một trong những tấm gương chiến đấu anh dũng quả cảm nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được lịch sử ghi lại đó là anh Bế Văn Đàn trong trận đánh tại Mường Pồn. Anh hùng Bế Văn Đàn là người dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng. Anh cùng đồng đội chiến đấu kiên cường và hy sinh trong tư thế hai tay còn ghì chặt chân súng trên vai, khi ấy anh mới chỉ 17 tuổi. Tấm gương hy sinh của anh được ví như một bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
 

70 năm đã trôi qua, dù thời gian có làm mờ đi dấu chân của người lính trên chiến trường năm xưa nhưng có một điều chắc chắn rằng, Điện Biên Phủ vẫn mãi là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với dân tộc Việt Nam trên bước đường chấn hưng đất nước hôm nay. Bên cạnh trưng bày các hiện vật, hình ảnh, cảnh quan lịch sự để tri ân những con người “thân chôn làm giá súng, đầu bịt lỗ châu mai, oằn lưng kéo pháo”, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn dành riêng không gian long trọng để tôn vinh Chiến thắng Điện Biên Phủ; tôn vinh những cá nhân, tập thể, lực lượng đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

LCĐT
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập